Chuyển tới nội dung

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp sử dụng nguồn hàng dự trữ

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn yêu cầu về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa.

Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn có biện pháp hỗ trợ giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký. Với các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy, doanh nghiệp sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy lọc hóa dầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định, tăng công suất ở mức tối đa để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, trong đó tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng.

nha-may-loc-dau

Bộ Công Thương yêu cầu hai nhà máy lọc dầu tăng công suất để đảm bảo nguồn cung.

Liên quan đến xăng dầu, sáng 13/10, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.

Từ phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. “Nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng hiện nay nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu”, ông nhận định.

Theo một doanh nghiệp, phí nhập khẩu xăng dầu đang tăng cao. Đơn cử, quý I chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít, quý III là 967 đồng/lít, tức bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.

Chiều 13/10, Bộ Công Thương chính thức thông tin về cuộc họp đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu diễn ra một ngày trước đó, với sự tham dự của Bộ Tài chính và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Nhiều ý kiến thẳng thắn đã được hiệp hội và các doanh nghiệp xăng dầu nêu ra, liên quan tới những khó khăn và bất cập trên thị trường thời gian qua. Bà Trần Thị Tuyết Mai – Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà – chia sẻ doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị liên bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra.

Trước đó từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít. Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng tăng premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel lên 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.

Tuấn Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved