Bộ Công Thương cho rằng nếu đấu thầu hạn ngạch cần 15-20 ngày cho các thủ tục, như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải “giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo”.
Trước ý kiến khá gay gắt của Bộ Tài chính về việc Bộ Công Thương không tiếp thu ý kiến đề xuất của bộ này về xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc số 2806/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ “phản bác” lại.
Vì sao không đấu thầu hạn ngạch?
Trong báo cáo gửi Chính phủ về việc vì sao Bộ Công thương không tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính khi bộ này đề nghị phương án đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch gạo cho cơ chế điều hành xuất khẩu gạo đang gây tranh cãi, Bộ Công thương cho rằng đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền “là việc không nên làm”.
Chưa kể, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
“Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải “giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo”, Bộ Công thương lý giải.
Song song đó, quan điểm của Bộ Công thương thấy việc đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ.
Thậm chí không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng “nhận ủy thác” để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.
Riêng cơ chế phân bổ hạn ngạch mà Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công thương cũng thấy không khả thi bởi “kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho “công bằng” và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi”, thậm chí “phải trình lại Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau”.
Và như vậy, quá trình này, theo Bộ Công thương, không chỉ trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải “giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo”, mà còn thiết lập trở lại cơ chế xin – cho rất nhiều rủi ro đạo đức đã được xóa bỏ theo kiến nghị kiên trì nhiều năm của cộng đồng doanh nghiệp.
Lo ngại tham nhũng, lợi ích nhóm
Đặc biệt, về việc thực hiện “cuộc họp 1/2 ngày” Bộ Tài chính cho rằng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng thực tế Bộ Công Thương chỉ thực hiện một cuộc họp 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Như vậy là “chưa nghiêm túc”.
Bộ Công Thương lý giải, ngày 25/3, tại văn bản số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Đồng thời yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo…, trước ngày 28/3.
“Với thời hạn 3 ngày kể từ ngày 25/3 và trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã mời các bộ, ngành có liên quan, đại diện UBND TPHCM, UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tham dự buổi làm việc với đoàn kiểm tra vào ngày 26/3 tại TPHCM.
Kết quả cho thấy, số liệu về cơ bản khớp với các đánh giá trước đó của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT về sản xuất, cung – cầu và xuất khẩu gạo, kể cả các dự báo về tiến độ xuất khẩu tới cuối tháng 5/2020.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết đã 2 lần Bộ Công Thương giải trình về lý do không thể tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính.
Theo Bộ Công Thương, cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra.
Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ.
Bộ Công Thương cho rằng: “Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng”.
Lý giải điều này, Bộ Công Thương cho biết, bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu). Do đó, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Điều này sẽ làm chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý…trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực.