Những ngày gần đây giá thịt lợn hơi đã quay đầu giảm mạnh. Tuy thịt lợn đã được cho là “bình ổn giá” song, phải thẳng thắn nhìn nhận, cơ quan chức năng thực hiện quá chậm.
Khó dự báo giá thịt lợn
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, giá thịt lợn hơi cuối tuần vừa qua đã giảm thêm 3.000-5.000 đồng một kg.
Theo số liệu của Trung tâm công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), hiện mỗi kg heo hơi giảm bình quân 10.000 đồng so với thời điểm tăng kỷ lục, về mức 82.000 – 85.000 đồng.
Tại một số địa phương khu vực miền Bắc, giá rớt xuống dưới 80.000 đồng một kg như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…
Ở khu vực phía Nam, giá tiếp tục giảm tại Đồng Nai, còn khoảng 80.000-81.000 đồng một kg.
Một số tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng… heo hơi về dưới 80.000 đồng, dao động 77.000 – 80.000 đồng một kg. Còn tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… khoảng 83.000-84.000 đồng.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, so với thời điểm cách đây 10 ngày thì hôm nay giá lợn đã giảm 10.000 đồng/kg.
“Giá lợn hơi giảm có nhiều nguyên nhân, một phần là do nguồn cung thiếu hụt đã được bù đắp bằng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu”. – Ông Đoán nói.
Theo dự báo của Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá thịt lợn rất khó dự báo sẽ tăng hay giảm vì chỉ còn gần 20 ngày nữa là Tết. Có thể giá sẽ giảm trong tuần này rồi lại bất ngờ tăng trở lại.
Trước đó, khi đề cập đến vấn đề nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Bộ này đã có chủ trương đẩy mạnh nhóm sản phẩm khác như gia cầm, đại gia súc, thủy sản,…
Mặc dù, tổng sản lượng thực phẩm cuối năm do đó không thiếu, thậm chí đáp ứng đủ vấn đề xuất khẩu. Song, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thừa nhận có tình trạng thâm hụt ở cơ cấu thịt lợn.
Do đó, ở thời điểm này, Bộ NN-PTNT cho rằng, rất cần các doanh nghiệp chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong cân đối nguồn cung thịt lợn để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Bộ NN&PTNT cũng đã cho phép khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn từ 19 quốc gia có thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật.
Quá trình triển khai quá chậm
Thực tế cho thấy, sau khi giá thịt lợn tăng phi mã, Bộ NN&PTNT đã liên tiếp ban hành 5 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị phối hợp bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm.
Trong các công văn, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tổ chức phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trầm trọng do dịch tả lợn châu Phi.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, đẩy nhanh tiến độ tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi; Các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi, sản xuất đảm bảo bình ổn giá; Các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn cung, giá thịt lợn để người sản xuất, người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá cao bất thường…
Có thể nói, bằng nhiều biện pháp phối hợp trong hoạt động cung cầu, giá thịt lợn trong những ngày qua đã có phần “giảm nhiệt”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, khó khăn chính để làm tốt công tác bình ổn giá hiện nay chính là nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn còn quá thiếu hụt do cơn “bão” dịch bệnh xảy ra trong năm 2019.
Một số nơi đến nay dù hết dịch cũng vẫn rụt rè để tái đàn, trong khi đó nguồn thịt nhập khẩu cũng chỉ có hạn và chưa tạo được thói quen tiêu dùng của người dân.
Theo vị chuyên gia này, nếu không được khắc phục một cách cơ bản, để tình trạng giá thịt lợn kéo dài và vẫn tiếp tục tăng cho đến Tết và sau Tết thì quả là không ổn.
Bởi giá lợn tăng nhanh sẽ gây khó khăn trong chăn nuôi và kinh doanh thịt lợn, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng và kéo theo việc tăng giá của hàng loạt các hàng hóa dịch vụ khác như thịt gà, thịt bò, cá tươi, trứng, bún, bánh phở tăng hơn so với trước.
“Một sự tăng giá dây chuyền sẽ không có lợi cho công tác bình ổn giá của nhà nước, gây biến động bất lợi đến chỉ số CPI năm 2019 và cả năm 2020”, ông Phú nói.
Nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, ông Phú cho rằng, cần phải có những phân tích thấu đáo để rút ra những bài học cần thiết cho những thời kì phục vụ tiếp theo, trước hết cho Tết 2020 và những năm sau.
“Vấn đề bình ổn giá thịt lợn sẽ rất có thể không đạt được những kết quả ngay như mong muốn. Bởi lẽ, để việc bình ổn giá thành công nhất định phải có tính chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa từ khi chưa có dịch xảy ra, không phải bình ổn giá chủ yếu bằng những công văn giấy tờ mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả”. – ông Phú nói.
Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chừng nào giá bán lẻ cuối cùng về tay người tiêu dùng thực sự giảm thì thị trường mới được coi là hoạt động hiệu quả.
“Thông thường, phải đến một thời gian dài sau khi giá heo hơi giảm thì giá heo thành phẩm mới giảm theo. Tiêu biểu như chương trình bình ổn thị trường cũng phải qua giai đoạn đánh giá trung và dài hạn mới có sự điều chỉnh. Còn các tiểu thương, thương lái có thể đang giữ giá cao để bù hao hụt thời gian qua”, ông đánh giá.
Tuy nhiên, ông nhận định nếu không sớm giảm giá thịt heo thành phẩm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với mặt hàng này. Khi đó, người chăn nuôi, thương lái và tiểu thương sẽ là bên thua thiệt.