Mức giá điện mặt trời theo Quyết định số 13/QĐ-TTg, điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh (tương đương 1.644 đồng, giảm 32% so với giá quy định trong QĐ 11/2017/ QĐ-TTg). Giá điện mặt trời nổi trên mặt nước là 7,69 US cent (tương đương 1.783 đồng), điện mặt trời mái nhà là 8,38 US cent/kWh (tương đương 1.943 đồng) biểu giá đưuọc điều chỉnh theo biến động của đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Các mức giá này đều thấp hơn giá mua điện 9,35 US cent/kWh trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4 năm 2017 về cơ chế điện mặt trời.

Cần điều chỉnh thời gian, biểu giá khuyến khích cho hợp lý.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh Nghiệp ông Đinh Đức Tuấn, PTGĐ Tập đoàn Hưng Hải cho biết “Trong điều kiện hiện nay, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt đất theo Quyết định 13/QĐ-TTg đang có một số điều bất khả thi”.

Cụ thể, theo mức giá mua điện ban hành theo QĐ 11/2017/ QĐ-TTg ban hành mức giá điện 9,35 US cent/kWh đó là cơ sở để các Nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án đầu tư và tham gia đầu tư điện mặt trời. Nhưng theo QĐ 13/2020/QĐ-TTg áp mức giá điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh giảm 32% khiến các dự án không còn hiệu quả kinh tế, không khả thi. Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vay đầu tư các Ngân hàng trong nước khoảng 11 – 12%/năm, các nhà đầu tư đang đối mặt với thách thức và hậu quả thiệt hại kinh tế rất lớn do không tiếp tục triển khai được các dự án.

“Mức giá mua điện mặt trời mới sẽ giết chết nhà đầu tư trong nước, giá chỉ thể chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện vay vốn tín dụng nước ngoài lãi suất thấp 2,5- 4%/năm theo USD, quy đổi khoảng 6 – 7,5%/năm tiền Việt Nam” – vị này nói.

Theo Quyết định số 13/QĐ-TTg, thời gian áp dụng cơ chế FIT mới được tính từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 đối với: Các dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án, hoặc một phần của dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020. Các dự án điện mặt trời mái nhà có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020. Cơ chế khuyến khích đối với các dự án điện mặt trời nối lưới nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được tính đến ngày 1/1/2021 và giá điện được giữ ở mức 9,35 US cent/ kWh.

Ông Tuấn tính, lộ trình cụ thể nhanh nhất đối với 01 dự án đã có quyết định phê duyệt CC đầu tư đối với dự án có công suất lắp đặt thiết bị khoảng 100MW như sau: Cập nhật, điều chỉnh tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án: 0,5 tháng; Khảo sát, lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật –  Lập thiết kế bản vẽ thi công: Từ 3 – 6 tháng; Thẩm định, lấy ý kiến thiết kế kỹ thuật (Bộ CT; Các Sở ): Từ 0,5 – 1 tháng; Mời thầu, lựa chọn  nhà thầu thiết bị, thương thảo hợp đồng: Từ 1-1,5 tháng; Bảo lãnh hợp đồng, mở LC thiết bị: Khoảng 1 tháng; Nhập khẩu thiết bị (Tính từ ngày mở LC): Khoảng 3 tháng; Xây dựng, lắp đặt (Chưa tính đường dây, đấu nối): Khoảng 4 tháng; Thí nghiệm, nghiệm thu hòa lưới: Khoảng 01 tháng; Đền bù, GPMB dự án (Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng) khoảng từ 3 – 6 tháng được tính trong khoảng thời gian chuẩn bị các dự án.

Như vậy, thời gian tối thiểu trong điều kiện lý tưởng để xây dựng, lắp đặt thiết bị, vận hành thương mại một dự án đã đủ điều kiện triển khai theo Quyết đinh 13 là khoảng 14 tháng.

Tuy nhiên, theo Quyết định 13/QĐ-TTg chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 07 tháng thì không khả thi để các doanh nghiệp triển khai đầu tư, chưa tính đến điều kiện dịch bệnh như hiện nay ảnh hưởng lớn đến tổ chức triển khai thực hiện và chuỗi cung ứng vật tư toàn cầu.

Ông Tuấn đề nghị thay đổi, điều chỉnh các nội dung trong Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam: Khuyến khích đầu tư thì cơ chế phải để Doanh nghiệp làm được và đầu tư có hiệu quả, không gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nếu không thì không gọi là khuyến khích và cần điều chỉnh về giá mua điện và thời hạn áp dụng.

Được biết, theo thống kê của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đến cuối tháng 11/2019, điện mặt trời đã có tổng công suất 10.300 MW được bổ sung vào quy hoạch điện các cấp, nếu trừ đi các nhà máy ĐMT đã vào vận hành trước ngày 30/6/2019, với tổng công suất khoảng 4.400 MW thì còn lại dưới 6.000 MW các nhà đầu tư sẽ chạy đua với thời gian để kịp thời hạn. Trong tổng công suất các dự án điện mặt trời đã trình xin bổ sung quy hoạch là 25.000 MW (tính đến cuối tháng 6/2019) thì còn gần 15.000 MW sẽ phải chờ đến khi nào cơ chế đấu thầu được ban hành.

Các dự án điện mặt trời tập trung mật độ cao tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã gây quá tải và nghẽn mạch các đường dây truyền tải. Liệu rằng, từ nay đến cuối năm 2020 các trạm và đường dây truyền tải tại các khu vực này có thể vào kịp để giải tỏa thêm gần 6.000 MW nguồn điện mặt trời. Ngoài ra, còn khoảng 1.000 MW điện gió tại khu vực Nam Trung bộ (chủ yếu là Ninh Thuận, Bình Thuận) và 1.190 MW điện gió khu vực Tây Nguyên trong tổng 4.800 MW điện gió cũng đã được bổ sung quy hoạch.