Trong tinh thần ấy thì Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) 5 năm 2021 – 2025 (Chỉ thị 18) của Thủ tướng về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025 là cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu cần triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, kế hoạch hành động để nhanh chóng vượt qua thách thức.

Chỉ thị nhận định rằng: tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững. Cái khác của nhận định này là tính thời sự của nó. COVID-19 đương nhiên đang gây ra những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, dù nó đang làm cho kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy… thì một cách biện chứng, nó đang mở ra những cơ hội cho tất cả các quốc gia cải cách. Các cấu trúc kinh tế về sản xuất, thương mại, đầu tư… nếu không có COVID-19 chắc chắn vẫn diễn tiến bình thường.

Trật tự thế giới cũng tiệm tiến theo quy luật đã được thiết lập và thích ứng. Nhưng COVID-19 đã đem đến những điều chỉnh và thay đổi sâu sắc trên bình diện toàn cầu.

Với Việt Nam, những người luôn đau đáu với chiến lược phát triển đều nhận thấy đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay. Ví dụ rõ nhất là những nhiệm vụ được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ như cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã xuất hiện những khúc quanh cần thiết. Nghị định 41/2020 của Chính phủ được xây dựng, lấy ý kiến, trình Chính phủ và ban hành chỉ trong một tháng. Việc hạ lãi suất, giảm thuế, phí… cũng được tiến hành ngay lập tức dù chỉ để đối phó với COVID-19. Những quyết sách mạnh mẽ để phòng, chống dịch cũng được bàn thảo và đưa ra rất nhanh. Những phương cách để “tái khởi động, phục hồi kinh tế” cũng được bàn luận thẳng thắn và có lẽ cũng sẽ sớm có Nghị quyết của Chính phủ.

Những vấn đề đã được đem ra thảo luận như cải cách, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế; giải ngân vốn đầu tư công… đã được đề cập đến một cách trực diện ở nhiều cấp độ. Và đương nhiên, rất cần một tinh thần đột phá trong cả tư duy pháp lý lẫn trách nhiệm. Sẽ có khó thể có một sự suôn sẻ nhưng nếu không đột phá và quyết tâm cải cách thì kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vẫn mãi là một kế hoạch trên giấy.

Thủ tướng đã rất nhiều lần đề cập đến nguyên lý “biến nguy cơ thành cơ hội”… Nguyên lý ấy chỉ có thể mang lại hiệu quả thực sự cho phát triển nếu những bài học hiện tại và quá khứ được phân tích, mổ xẻ một cách trực diện và trách nhiệm.

Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu:

– Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

– Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng.

– Thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên kết vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển các mô hình kinh tế xanh cho các vùng và khu kinh tế; phát triển các vùng nguyên vật liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế biển.

– Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp…; phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Tiếp tục xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

– Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm.

– Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

– Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;…