Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 và an toàn tiêm chủng sáng 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành.

“Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao”- GS.TS Nguyễn Văn Kính nói.

Hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ cách ly tại Yên Bái mắc COVID-19 và 1 nhân viên khách sạn tiếp xúc gần (F1) cũng đã xác định là bệnh nhân dương tính.

“Hiện nay tất cả các bệnh nhân liên quan đoàn chuyên gia của Ấn Độ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chúng tôi đang giải trình tự gene để xem đây là chủng B117 của Anh trước đây hay là chủng kép để chúng ta tăng cường phòng vệ và có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị. Vài ngày tới sẽ có kết quả”. – GS.TS Nguyễn Văn Kính thông tin.

GS.TS-Nguyen-Vn-Kinh-Ch-ti.ch-Ho.i-truyen-nhiem

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết Việt Nam đang giải trình tự gene các ca bệnh chuyên gia Ấn Độ.

“Sức khỏe của các bệnh nhân Ấn Độ hiện ổn định, chúng tôi vẫn đang theo dõi chưa có ca nào phải thở máy. Về triệu chứng lâm sàng, chỉ có sốt 38,5 độ, ngày thứ 4 hết sốt, X-quang phổi có tổn thương nhưng không nhiều, chưa có chỉ định phải thở oxy, không có sự khác biệt về triệu chứng”- GS.TS Nguyễn Văn Kính nói thêm và cho biết, nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay, hiện nay cả thế giới đang quan tâm đến biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617. Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

“Dù chưa rõ tỉ lệ cao hơn bao nhiêu nhưng người ta thấy nhanh hơn tất cả những chủng trước đây Ấn Độ từng gặp. Do đó không chỉ Ấn Độ phải đối mặt với biến chủng kép, cả thế giới cũng hết sức quan tâm, làm sao để ngăn chặn không lan tràn sang nước khác”- GS.TS Nguyễn Văn Kính thông tin.

Với bối cảnh thực tế hiện nay, người ta thấy rằng trong 10 ngày nữa Ấn Độ mới đạt đỉnh về số tử vong.

Không chỉ riêng Ấn Độ đang phải đối mặt với biến chủng kép này mà cả thế giới đều phải quan tâm, làm sao để ngăn chặn được, để nó không lan tràn thêm các nước khác. Dù vậy nhiều nước vẫn đang mở cửa, chưa đóng cửa biên giới nên đã có sự lây lan của chủng này sang nước khác. Hiện ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận.

Về điều trị, hiện nay chưa có thuốc gì đặc hiệu, vẫn phải theo dõi điều trị thật sớm các triệu chứng của bệnh nhân, nâng cao thể trạng. Khi bệnh nhân tổn thương phổi thì phải điều trị phổi bằng biện pháp oxy, nếu rối loạn đông máu thì có hướng điều trị phù hợp…, đã có hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Nguy cơ dịch bệnh rất cao không chỉ từ nguồn xâm nhập mà ngay cả ở trong nước. Chúng ta không thể để một cá nhân, một bệnh viện hay một nhà máy… thực hiện không nghiêm, để xảy ra dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến cả nước.

DDN_4841

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng. Trong điều kiện bình thường mới, tất cả hoạt động phải được tổ chức an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 27/4, thế giới ghi nhận hơn 148 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 3,1 triệu ca tử vong. Đáng chú ý, trong 4 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 18 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 12,4% tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch, trong đó có hơn 290 nghìn ca tử vong, chiếm 9,4%.

Tại Ấn Độ, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao, trong khi hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ mất cảnh giác khi dịch COVID-19 được kiểm soát trong thời gian dài (từ tháng 1-3/2021) và dỡ bớt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cho phép tập trung đông người trở lại.

Các chuyên gia nhận định, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian gần đây, một số quốc gia có chung đường biên giới hoặc ở gần Việt Nam có ca nhiễm tăng cao như: Thái Lan, Lào, Campuchia.

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trong nước đến nay được kiểm soát tốt, cả nước đã qua 33 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian qua đều là ca nhập cảnh đã được cách ly. Do đó, người dân dễ nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang. Trên cả nước vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp nếu không quản lý tốt sẽ có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, trong dịp các ngày nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 và nghỉ hè, đây là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm lớn.