Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Thương mại bia Hà Nội (Habeco) – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Hà Nội, bia hơi Hà Nội, Trúc Bạch… thông báo điều chỉnh giá các loại bia hơi từ ngày 10/4.
Cụ thể, bia hơi 30, 50 lít tăng thêm 1.001 đồng/lít; bia keng 2 lít tăng thêm 4.117 đồng/lít; bia hơi 1 lít (xách 6 chai) tăng thêm 7.062 đồng/lít. Đây là đợt tăng giá thứ 2 của doanh nghiệp này kể từ đầu năm 2022.
Ghi nhận của phóng viên tại một số đại lý và cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội, giá nhiều loại bia tăng 15.000 – 30.000 đồng/thùng so với cuối năm 2021. Cụ thể, bia Tiger xanh, bạc có giá mới là 350.000 – 395.000 đồng/thùng, bia Heineken cũng tăng lên mức 425.000 – 450.000 đồng/thùng…
Giá bia tăng kéo theo việc các đại lý bia hơi trên địa bàn TP. Hà Nội cũng tăng giá. Tùy từng quán, mức giá bán đối với một cốc bia hơi cũng đã tăng từ 500 – 1.000 đồng/cốc. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một quán bia hơi trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội): “Khách của quán đa phần là khách quen, quán vẫn giữ nguyên mức giá 11.000 đồng/cốc bia như trước kia. Trung bình mỗi khách hàng chỉ uống được khoảng một lít bia hơi nên việc tăng giá ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động kinh doanh của quán. Sắp tới thời tiết nóng hơn, lượng bia tiêu thụ lớn nên cửa hàng sẽ tăng giá để bảo đảm lợi nhuận. Tôi nghĩ việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng đến một số đối tượng khách hàng”.
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin bia đồng loạt tăng giá. Nhưng họ cũng không tỏ ra quá phiền lòng bởi chi phí uống bia thường rất nhỏ so với chi phí đồ nhậu. Đối với đa số người tiêu dùng thì mức tăng giá trên có thể chấp nhận được.
Anh Nguyễn Văn Tùng, một người tiêu dùng ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội tỏ ra khá thông cảm với việc bia tăng giá, anh cho biết: “Có thể do giá xăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến nhiều mặt hàng tăng theo, phần khác do giá nhập từ đại lý tăng nên giá bán lẻ cũng phải cao hơn trước. Một tuần tôi thường gặp gỡ anh em bạn bè khoảng 2 lần để uống bia, giá bia tăng cũng kéo theo chi phí mỗi bữa nhậu tăng thêm khoảng 30.000 đồng. Phát sinh này không quá ảnh hưởng đối với chi phí cho một bữa nhậu khoảng 500.000 đồng”.
Trong khi đó, theo anh Trần Văn Tiến, người dân ở thôn Long Khám, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh), cả năm mới mua độ đôi ba thùng bia uống tết nên bia tăng giá đôi chút cũng không ảnh hưởng gì lớn.
Đối với một số lao động phổ thông, giá bia tăng cũng khiến họ cảm thấy lo lắng. Anh Đặng Thế Toàn, người dân ở xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà (Hải Dương) lên Hà Nội làm phụ hồ chia sẻ: “Mấy hôm nay nóng bức quá nên tôi cùng anh em ra quán làm mấy cốc bia. Nhỡ mời mọi người nên khi đứng lên thanh toán cũng giật mình vì giá bia tăng. Mỗi người 3 cốc bia với đĩa lạc luộc, ít cái nem mà hết 480.000 đồng, khá xót ruột. Dịch Covid-19 khiến việc làm khó khăn, đồng lương hạn chế mà cái gì cũng tăng thì rất đáng lo. Với tình trạng này, tôi sẽ phải hạn chế uống bia hơn”.
Hiện, một số hãng bia khác cũng thông báo tăng giá để bù đắp chi phí nguyên liệu gia tăng. Ngày 4/2, Công ty Sản xuất bia Carlsberg (Đan Mạch) cho biết sẽ tăng giá bia trong năm 2022. Về thị trường bia năm 2022, Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn đánh giá ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và những quy định của Chính phủ.
Lãnh đạo Sabeco cho biết, Nghị định 100 và Nghị định 24 đặt ra các quy định khắt khe hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như các hình thức xử phạt nặng hơn đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… Ngoài ra, quy định đồ uống có cồn phải trả 3 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng khiến ngành bia gặp khó.
Đại diện Habeco cũng cho biết, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, xung đột Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy. Giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm như: Vỏ lon tăng 30-40%, nắp chai tăng 35%, hộp giấy tăng 15%… và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.