Kết quả kiểm tra các trường hợp dương tính lại cho thấy virus “bất hoạt” không phát triển, các chuyên gia nhận định chúng có thể là xác SARS-CoV-2.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho hay qua việc nuôi cấy lại 5 mẫu virus của các ca dương tính lại với SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh, các nhà khoa học phát hiện virus này không phát triển. Các chuyên gia nhận định chúng có thể là virus bất hoạt (xác virus).
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có trao đổi với PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo đó, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, sau khi ghi nhận 9 bệnh nhân COVID-19 tái dương tính trở lại, Viện đã nhận được 5 mẫu bệnh phẩm gửi đến để nuôi cấy lại virus SARS-CoV-2.
Trong số này có 3 mẫu bệnh phẩm gửi từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương của các bệnh nhân 74, 137, 188 và 2 mẫu từ Quảng Ninh chuyển lên của bệnh nhân 52 và 149.
“Chúng tôi mới thực hiện nuôi cấy được 3 mẫu nhưng sau 1 tuần nhận thấy virus trong các mẫu này không phát triển”, PGS Mai thông tin.
PGS Mai giải thích, việc virus không phát triển có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, virus rất yếu, không có khả năng nhân lên, không đủ nồng độ lây nhiễm cho tế bào hay khuyếch đại lên tế bào.
“Tế bào của vật chủ là ‘món ăn’ virus thích nhất rồi. Chúng ta có thể tưởng tượng, virus trong cơ thể bệnh nhân tái dương tính như người già yếu, mình mời thịt gà họ cũng không ăn được, không sống được nên không có khả năng lây cho người khác”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai giải thích thêm, virus SARS-CoV-2 muốn lây được sang cho người khác cần có 3 yếu tố: là virus phải khoẻ; phải nhân lên và có nồng độ nhất định; và lây cho người yếu, vì nếu người khoẻ, khi virus vào cơ thể sẽ bị đánh bật và bị tiêu diệt luôn.
Khả năng thứ hai, cũng có thể là xác virus. Theo PGS Mai, đây chỉ là kết quả nuôi cấy lần đầu, Viện sẽ tiếp tục nuôi cấy thêm 2 lần nữa để có khẳng định chính xác.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng lý giải về các trường hợp tái dương tính. Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Phạm Ngọc Thạch lý giải đó có thể là xác virus và khi xét nghiệm gen phát hiện được nhưng không chứng tỏ virus đó còn hoạt động.
Còn ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng những trường hợp như vậy nếu có virus thì virus rất yếu, không có nguy cơ làm lây lan bệnh.
Được biết, nhiều nước cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) công bố 160 bệnh nhân dương tính lại sau trung bình 13,5 ngày xuất viện. Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra về các trường hợp này.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19, 222 trường hợp đã khỏi bệnh. Đặc biệt, đã là ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 16/4.
Hiện nay, 48 người bệnh đang điều trị tại 9 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó kết quả xét nghiệm chuyển âm tính lần 1 là 8 ca, âm tính 2 lần liên tiếp là 2 ca, âm tính 3 lần liên tiếp trở lên là 4 ca, số ca kết quả xét nghiệm đang dương tính, chưa chuyển biến là 34 ca.