Khơi thông thị trường nội địa nhờ kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, địa phương với nhau là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đặc biệt tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

raucuqua

Nhiều hệ thống phân phối lớn như chuỗi siêu thị đã tích cực kết nối chuỗi cung ứng. Ảnh: Quốc Tuấn

Thời gian gần đây, hàng loạt lời kêu gọi giải cứu nông sản được người tiêu dùng các tỉnh thành phố hưởng ứng. Nhưng không chỉ rau củ ở Hải Dương, con số của Tổng cục Thống kê cho biết, tình trạng tồn kho của các ngành sản xuất tại thời điểm cuối 2020 là cực lớn. Sản xuất trang phục tồn kho 24,3%; ôtô xe máy: 37%; điện tử và máy tính, quang học… tồn kho lên tới 143,9%.

Chủ động gỡ vướng

Khi Đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức. Chính vì vậy khơi thông thị trường nội địa nhờ kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, địa phương với nhau là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương trong vùng dịch đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng có sản lượng lớn.

Tại tỉnh Hải Dương ngay khi thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 16/02/2021, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như chuỗi siêu thị BigC và Go!, chuỗi Vinmart và Vinmart+, Chuỗi siêu thị BRG Mart, Chuỗi siêu thị MM Mega Market… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của địa phương này.

nongsan

Câu chuyện giải cứu hàng nông sản ở Hải Dương đã phần nào minh chứng cho câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Báo cáo tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 cho thấy, thông qua Đề án, đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước… Quan trọng hơn, bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong việc thiết lập chuỗi cung ứng và hợp tác với nhau. Đơn cử, chỉ trong mấy tháng cuối năm 2020, Tập đoàn Alphanam đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với gần chục tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp là tất yếu.

Không chỉ liên kết giữa các doanh nghiệp, sự kết nối giữa các địa phương cũng sẽ, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Nói như chuyên gia Nguyễn Vinh Phú, câu chuyện giải cứu hàng nông sản ở Hải Dương đã phần nào minh chứng cho câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự liên kết giữa các vùng miền hạ tầng vận chuyển, chi phí logistic …

Một nguyên nhân nữa là chính những người đứng ra giải quyết việc ách tắc hàng hóa nông sản đã chưa coi nông sản là của gia đình mình, nhà mình, địa phương mình… Cùng với đó, hàng hóa sản xuất ra kể cả hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn mới chỉ có 10% vào được siêu thị.

Vì vậy, chính sách cần tính đến những kịch bản khơi thông chuỗi hàng hóa lúc có dịch hay không có dịch ở các tỉnh thành phố ở nước ta, từ đó cứ theo kịch bản để thực hiện.

Nếu có được chính sách đúng, tạo ra được niềm tin và sự đồng cảm để người dân đưa nguồn lực vào sản xuất, mua sắm hàng hoá nội địa… chúng ta không những giải quyết được vấn đề “nguồn vốn” mà còn giải quyết được vấn đề thị trường.

Ông Phạm Thanh Hải – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương:

Chỉ tính riêng từ ngày 16/2 đến nay (từ ngày tỉnh thực hiện cách ly xã hội), giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.664 tỷ đồng, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái… Do vậy, trong thời gian tới đề nghị sớm có các giải pháp kịp thời để ngăn chặn suy giảm sản xuất công nghiệp, thương mại nói riêng và kinh tế nói chung; thành lập các tổ chức nắm sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trong và sau COVID-19.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ:

Liên kết doanh nghiệp với mục đích xây dựng một chuỗi cung ứng mới tuần hoàn đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của CLB trong thời gian gần đây. Rất nhiều thoả thuận giữa các thành viên đã được ký trong thời gian ngắn không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là thể hiện tinh thần người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt, tạo động lực để các doanh nghiệp hợp tác và cùng nhau phát triển trong giai đoạn mới.