Công nghệ được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động.
Tại Việt Nam, chúng ta không những cần chú trọng đổi mới công nghệ mà còn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ doanh nghiệp để theo kịp tốc độ đổi mới.
Vừa đổi mới công nghệ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc cải thiện, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.
Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản khoảng 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm… Có nhiều nguyên nhân khiến mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới như: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; Quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực nhưng còn chậm; Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế… Ngoài ra, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.
Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
Hơn nữa, các doanh nghiệp tham gia hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại.
Vừa nâng cấp trình độ sử dụng công nghệ
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, với một doanh nghiệp thì công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Nhưng tại Việt Nam, việc quản trị công nghệ của doanh nghiệp còn yếu và năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ.
Ông Lâm cũng nói thêm rằng, kể cả khi công nghệ mới vào nhanh nhưng hiện năng lực làm chủ công nghệ của chúng ta vẫn còn yếu. Bởi vậy, cần phải song song thực hiện vừa đổi mới công nghệ, vừa phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quý Phát – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quý Phát nhận định, có nhiều yếu tố giúp tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp như chất lượng nguồn nhân lực, công nhân tay nghề cao, có chuyên môn tốt sẽ mang lại sản phẩm tốt, thời gian làm việc nhanh, ít sai lỗi… Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo phải có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị.
Ngoài ra, ông Phát cũng cho rằng cần chú trọng nâng cao ý thức, kỷ luật của người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề… người lao động sẽ nâng cao năng suất lao động của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội để nâng cao thu nhập.
Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung của người lao động. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.
Đức Việt