Trong 6 tháng đầu năm, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM đạt doanh thu gần 124.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Dựa trên báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm trên địa bàn ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn quý 1/2023 (quý 1/2024 là 2,5%).
Phục hồi nhưng chưa đáng kể
Bước sang năm 2024, bức tranh ngành bất động sản của TP.HCM đã tươi sáng hơn. Ngành địa ốc đã tăng trưởng dương trở lại từ mức -6,4% trong năm 2023 lên gần 3% trong quý 2.
Qua giai đoạn im ắng của năm 2023, một số dự án mới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, một số dự án cũng bắt đầu tái khởi động sau khi được tháo gỡ vướng mắc. Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM lại không có dự án bất động sản mới nào đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong khi chờ các bộ luật mới có hiệu lực.
Thiếu hụt nguồn cung mới là nguyên nhân khiến giá bất động sản tại TP.HCM neo ở mức giá cao. Dù thị trường vào giai đoạn mà nhu cầu ở thực chiếm ưu thế, khách hàng đa phần khó có thể chi trả được giá bán ngày càng tăng nhanh. Theo đó, các chung cư có giá 50 triệu đồng/m2 đã gần như “tuyệt chủng”.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra các chủ đầu tư không thể đưa giá bán cho các dự án mới thấp hơn, do chi phí đầu tư đã tăng quá cao, bao gồm chi phí đất, chi phí xây dựng, chi phí đầu tư, triển khai kinh doanh, chi phí tài chính…
Tăng tốc cho thị trường
Có thể thấy, khi ba luật mới (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai) chuẩn bị có hiệu lực, Chính phủ và các địa phương như TP.HCM đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các giải pháp nhằm gỡ khó và tăng thêm nguồn cung cho thị trường.
Chia sẻ tại Phiên họp thường kỳ UBND TP.HCM tháng 6 mới đây, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin trong quý 2/2024 đã tháo gỡ 2/7 dự án thương mại, còn lại 5 dự án sẽ cố gắng giải quyết trong quý 3.
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành, địa phương rà soát, gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản trong phát triển dự án và phải có kết quả cụ thể trong 6 tháng cuối năm nay. Nhiều dự án hiện vẫn vướng một số rào cản trong quy hoạch, pháp lý hay thủ tục thực hiện.
Để đủ cơ sở pháp lý khi các luật này được thi hành sớm, các bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu trong tháng 6 trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm gói tín dụng này mới giải ngân chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng.
Sự đôn đốc sát sao của Chính phủ là một tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc trong giai đoạn phục hồi. Niềm tin của doanh nghiệp bất động sản đã hồi phục sau khi 3 bộ luật được thông qua sớm hơn dự kiến. Theo PGS TS Trần Kim Chung – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương dự báo, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm.
“Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện nghị định hướng dẫn, cộng thêm quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân là cơ sở quan trọng để tin rằng, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi”, ông Trần Kim Chung chia sẻ.
Từ phía doanh nghiệp, ông Michael Piro – COO Indochina Capital nhìn nhận, khung pháp lý bất động sản hoàn thiện cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, đầu tư bất động sản là hoạt động đầu tư mang tính dài hạn, nên môi trường đầu tư càng ổn định, thủ tục càng thuận tiện thì các yếu tố đảm bảo đầu ra với các dự án bất động sản càng chắc chắn, dòng vốn của nhà đầu tư càng được luân chuyển một cách nhanh chóng hơn.
Vi Anh