Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, thị trường bất động sản từng sôi động bậc nhất Bắc bộ – Quảng Ninh cũng đang “bất động” vì dịch COVID-19.
Xã Thống Nhất, Lê Lợi (TP Hạ Long) những tháng cuối năm 2019 (thời điểm vẫn thuộc huyện Hoành Bồ) khi có thông tin sáp nhập thành phố Hạ Long, bất động sản nơi đây bùng phát.
Bao giờ cho đến ngày xưa
Những cuộc săn đất, giao dịch rất nhộn nhịp. Thậm chí, chính quyền địa phương còn lo ngại về một cơn sốt ảo nên đã phải “vác” loa đi thông báo và cảnh giác cho những nhà đầu tư.
Sau đó, cơn sốt đất vẫn diễn ra, nhưng trong tầm kiểm soát và an toàn. Nguyễn Ninh – một “cò đất” có tiếng cho biết, thời điểm đó mỗi ngày có rất nhiều người từ mọi nơi tìm đến đây để tìm hiểu và sẵn sàng “xuống tiền” cho mảnh đất mà họ ưa thích hoặc thấy tiềm năng. “Nhưng thời điểm này là sự đối lập hoàn toàn. Vắng ngắt, gần như không có giao dịch nào diễn ra”, anh Ninh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Công ty 507, chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP Hạ Long cho biết, mọi năm giờ này các dự án của công ty luôn chào đón các vị khách đến tìm hiểu, đầu tư và làm các thủ tục liên quan. Sự quá tải thậm chí đã từng diễn ra. Nhưng từ đầu năm mà chính xác thời điểm dịch COVID-19 bùng phát khoảng 1 tháng, tất cả đều yên ắng.
“Dịch khiến khách hàng có tâm lý e ngại khi xuống tiền, họ ngại đến những nơi tụ tập đám đông. Điều này khiến các doanh nghiệp địa ốc không thể chào, mời, gom khách hàng đi thực tế xem dự án và tư vấn để chốt sản phẩm. Bao nhiêu hoạch định cho năm 2020 giờ đành gác lại. Khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Ba nói.
Chẳng riêng Hạ Long, một vùng đất đã từng tạo nên cơn sốt về đất như Vân Đồn cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo ghi nhận, bệnh dịch COVID-19 đang khiến nguồn cung bất động sản ở Quảng Ninh gặp khó khăn, nhiều dự án bị “tê liệt”. Còn khách hàng có nhu cầu mua ở, giới đầu tư bất động sản chủ động tiếp cận… đếm trên đầu ngón tay.
“Thời điểm này mọi năm, môi giới bán đất như tôi túi bụi trong những cuộc tư vấn, giao dịch cũng như chạy ngược xuôi hỗ trợ cho khách hàng các thủ tục pháp lý về đất. Nhưng năm nay, tôi thậm chí còn phải chạy thêm việc khác để đảm bảo cho cuộc sống. Bao giờ cho đến ngày xưa?” – anh Ninh than vãn.
Niềm tin sau đại dịch
“Đó là cuộc sống. Chúng ta phải chấp nhận những khó khăn, rủi ro không mong muốn và không ai có thể lường trước. Nhưng đừng quá lo lắng, với Quảng Ninh tôi tin thị trường bất động sản lúc này giống như chiếc lò xo đang bị nén, và nó sẽ bung ra trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Ba lạc quan nói.
Trong bối cảnh những tác động từ đại dịch COVID-19, ông Ba cho rằng, bất động sản nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Đại dịch này cũng là cơ hội cho các đơn vị phát triển dự án tự nhìn lại chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc sản phẩm, để thích ứng với những biến động có thể xảy ra.
Theo ông Ba, các không gian đô thị sinh thái, chất lượng hướng đến việc chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho cư dân được kỳ vọng phát triển hơn. Đây là mô hình vốn không xa lạ tại Việt Nam, nhưng chưa thật sự khởi sắc. Sau đại dịch này, thị trường sẽ có những dự án chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm nhà ở và không gian sống nhằm đảm bảo sức khỏe cho cư dân.
Ông Ba nhấn mạnh thêm, ở Quảng Ninh đã có một vài dự án hướng tới việc này như dự án FLC, VinGroup, Monaco, dự án Vườn Phượng Hoàng… Những dự án đô thị tại Hạ Long hay Vân Đồn chắc chắn vẫn được nhiều người săn đón, bởi đây là vùng đất được bao bọc bởi biển và núi rừng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn đang thực hiện rất tốt mô hình chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, sự chuyển đổi này vẫn đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn đến Quảng Ninh. Và điều này hứa hẹn một cuộc bùng nổ về bất động sản trong thời gian tới. “Tôi có niềm tin lớn về thị trường bất động sản sau đại dịch này” – ông Ba nhấn mạnh.