Nguồn cung mới tiếp tục giảm

Dựa trên báo cáo mới nhất của chuyên gia BĐS cho thấy, tại Đà Nẵng, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Đối với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường chưa ghi nhận được nguồn cung mở bán mới trong gần một năm qua. Các dự án mới trong khu vực liên tục thay đổi lịch mở bán hàng, trong khi đó dự án sơ cấp gần như đóng giỏ hàng không có giao dịch được ghi nhận.

Dự kiến trong thời gian tới phân khúc này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó có những chuyển biến tích cực.

Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group cho rằng nhiều yếu tố đã tác động đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa được phục hồi như pháp lý, lãi suất cao, ngành du lịch phục hồi chậm… Trong tháng 5 vừa qua, nguồn cung biệt thự biển chỉ đạt 9 căn, tương đương 2% so với cùng kỳ tại các miền Bắc – Trung – Nam, trong khi đó chủ đầu tư chỉ giao dịch được duy nhất 1 căn khiến lượng tiêu thụ sụt giảm 99,6% so với cùng kỳ.

Chuyên gia BĐS cho biết, giá bán sơ cấp đi ngang, nhiều chủ đầu tư vẫn áp dụng các chương trình ưu đãi như hỗ trợ lãi suất, chiết khấu nhanh 40% – 50% nhằm kích cầu khách mua.

Đối với phân khúc condotel, nguồn cung mới ghi nhận đạt 139 căn, giảm đến 82% so với cùng kỳ. Trong đó miền Bắc và miền Nam đang đứng đầu về nguồn cung trên cả nước, ngược lại miền Trung lại thiếu hụt nguồn cung mở bán mới. Việc rà soát, thanh tra các dự án cùng với bối cảnh thị trường ảm đạm đã tác động đến tâm lý nhiều chủ đầu tư e dè hơn trong việc triển khai bán hàng.

Lũy kế đến hết Q1/2023 số lượng sản phầm tồn kho là 669 căn, các dự án hầu như đóng giỏ hàng và không ghi nhận thêm giao dịch cùng thanh khoản trầm lắng. Ngoài ra, theo một số thông tin được ghi nhận của thị trường, mức giá rao bán thứ cấp giảm đến 10% – 15% so với giá bán trên hợp đồng, chủ yếu là những đối tượng khách hàng sử dụng đòn bẩy ngân hàng.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc cho phân khúc này như quy định về cấp sổ hồng, đề nghị các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng thị trường vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Dự kiến trong thời gian tới phân khúc này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó có những chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn.

Đối với nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, thị trường đã rơi vào trạng thái trầm lắng. Trong 3 tháng đầu năm, mặt bằng giá bán sơ cấp chưa có biến động so với cùng kỳ, mức giá giao dịch hiện khoảng 7,1 – 16,3 tỷ đồng/căn.

Thực tế, thị trường trên địa bàn Đà Nẵng đã ghi nhận tình trạng rao bán các khách sạn, đặc biệt là khách sạn có vị trí trên tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Trung tâm thành phố. Nguyên nhân chính là do nhiều chủ sở hữu khách sạn đang gặp khó về dòng tiền sau thời gian đại dịch.

Hơn nữa, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng phục hồi chậm trễ bởi du khách đang có xu hướng tiết kiệm ngân sách, tạo ra áp lực trong việc duy trì hoạt động vận hành, nhất là với các chủ đầu tư vừa và nhỏ.

Sự phát triển của phân khúc nghỉ dưỡng trong tương lai còn phụ thuộc vào tầm nhìn của các chủ đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng

Vừa qua, Nghị định 10/2023/NĐ-CP đã được ban hành nhằm giải quyết những vướng mắc đối với việc cấp quyền sở hữu cho condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng cùng các tài sản khác được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ có mục đích sử dụng cho lưu trú, du lịch. Cụ thể, các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất dựa theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp luật.

Đánh giá về tác động của Nghị định 10/2023/NĐ-CP, bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, việc khung pháp lý chưa hoàn thiện là rào cản lớn nhất trong việc tạo đà phục hồi cho phân khúc này. Do vậy, Nghị định 10 được coi là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan chức năng có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình sử dụng theo đúng mục đích. Từ đó tạo đà phục hồi cho phân khúc này trên thị trường.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần đưa ra những quy định pháp luật rõ ràng đối với định danh bất động sản du lịch cũng như các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, văn phòng hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, làm rõ mục đích phát triển du lịch, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý, vận hành đối với mỗi loại hình để thúc đẩy phát triển thị trường.

Mặt khác, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, sự phát triển của phân khúc nghỉ dưỡng trong tương lai còn phụ thuộc vào tầm nhìn của các chủ đầu tư, trong việc xác định chiến lược và kế hoạch thu hút khách hàng. Mô hình du lịch cần được đổi mới và kết hợp phát triển đa mục tiêu. Để đạt được hiệu quả thực sự khi đưa vào sử dụng, nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và đầu tư vào các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng phát triển theo xu hướng.

Vi Anh