Mặc dù là thị trường tiềm năng nhưng tồn tại nhiều bất cập

Dựa trên đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là khu vực tiềm năng về thu hút vốn FDI. Lượng vốn đầu tư FDI vào ngành bất động sản đang được cải thiện đáng kể, cụ thể lũy kế đến nay Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này đạt 66,3 tỷ USD, chiếm 15,1% trong tổng số vốn đầu tư trên cả nước. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu khu vực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 16 tỷ USD, chiếm khoảng 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương..

Hầu hết các doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đều là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức đa dạng và chất lượng hơn. Trong nhiều năm qua, lượng thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng rõ rệt, tính từ năm 2010 đến năm 2018 tổng số vốn đầu tư đạt 6,61 tỷ USD, tăng gấp 10 lần và chiếm 18,6% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng cũng là phân khúc tiềm năng cho những nhà đầu tư thông minh tìm kiếm cơ hội gia nhập vào thị trường, nhất là ở Nha Trang, Phú Quốc,.. Cùng với đó còn có sự xuất hiện của phân khúc bất động sản chăm sóc sức khỏe bởi đây là loại hình mới và là cơ hội lớn đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn.

Theo bà Trang Lê – Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho biết, trong năm 2018 JLL Việt Nam đã có cơ hội làm việc với quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu, khi họ trong giai đoạn đánh giá tiềm năng phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam. Sự tham gia của quỹ đầu tư này đã giúp Việt Nam thu hút được nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư khác trên thị trường. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài đã mang các tiêu chuẩn phát triển BĐS công nghiệp mới vào thị trường Việt Nam, có thể kể đến như loại hình nhà kho chất lượng tương đương với các nước trong khu vực, nhiều dự án tích hợp được các tiêu chí xanh trong vận hành, đáp ứng nhu cầu phát triển xanh của các nhà sản xuất,… Điều này đã nâng tầm chất lượng bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Có thể thấy, không chỉ có bất động sản nhà ở mà các phân khúc BĐS thương mại và công nghiệp cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoại. Trong thời điểm gần nhất, Central Retail đã cam kết đầu tư khoảng 1,45 tỷ USD trong giai đoạn 2023 – 2027 vào loại hình bán lẻ của thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù lĩnh vực bất động sản là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư ngoại tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc khiến các nhà đầu tư FDI chưa muốn rót vốn vào thị trường Việt Nam. Nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu phức tạp khiến các dự án triển khai bị đình trệ. Ngoài ra, hệ thống pháp luật của thị trường chưa được đồng bộ và thống nhất, có thể kể đến như quy định của condotel và officetel hiện chưa được giải quyết triệt để.

Giải pháp từ thực tiễn

Nhằm thu hút các nhà đầu tư FDI chất lượng vào ngành kinh doanh BĐS, bà Trang Lê cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện thủ tục pháp lý để đầu tư cũng như nâng cao chất lương hạ tầng, cải thiện nguồn nhân lực chất lượng để hấp thụ được dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong ngành sản xuất. Hơn nữa, cần xác định các cải tiến về thủ tục hành chính phải được triển khai trên thực tiễn thay vì trên giấy tờ, bởi mức độ cạnh tranh giữa các nước ngày càng khốc liệt. Do đó, Việt Nam cần tháo gỡ vướng mắc kịp thời để thu hút được nguồn vốn FDI.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, để thu hút FDI vào thị trường, cần thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, mang tính cạnh tranh, tháo gỡ vướng mắc về chính sách kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu về dòng vốn tín dụng nhằm phát triển thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và khách mua nhà có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện nghiêm túc công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI vào ngành bất động sản nhằm chọn lọc các dự án phù hợp, tránh các dự án chậm triển khai. Từ đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các doanh nghiệp, công ty luật, ngân hàng và quỹ đầu tư để đưa ra danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đang quan tâm đến lĩnh vực BĐS Việt Nam. Sử dụng các kênh ngoại giao cấp cao nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Vi Anh