Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5–7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Theo đó, các chuyên gia dự báo 2022 vẫn là năm giá bất động sản, nhà ở, đất nền tăng mạnh.
Hiện nay dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực phía Bắc nhưng không làm thị trường bất động sản hạ nhiệt. Theo đó ngay từ những ngày kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nhà đầu tư đã kết hợp vừa du xuân vừa xem đất.
Anh Nguyễn Tất Thái, nhà đầu tư tại Hà Nội đã có 4 năm kinh nghiệm cho hay, ngay từ mùng 4 Tết, anh đã đi về 1 số tỉnh vùng ven Thủ đô để vãn cảnh và tiện khai xuân tìm mua đất.
“Tôi đã đầu tư đất nền nhiều năm, tôi nhận thấy thường thị trường sẽ sôi động vào dịp cuối năm và đầu năm mới, còn giữa năm sẽ đi ngang nhiều hơn. Bởi vậy, đầu năm nào tôi cũng đưa vợ con đi chơi xuân, tiện thể nếu có mảnh đất nào hợp lý tôi sẽ xuống tiền mua ngay. Năm nay tôi khai xuân đất tại Bắc Ninh”, anh Thái nói.
Chị Đinh Ngọc Lan, nhà đầu tư thứ cấp tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cho biết, đầu năm nay chị quyết định dùng tiền lợi nhuận trong kinh doanh để đầu tư vào đất nền.
Chị Lan chia sẻ: “Năm qua, may mắn là cửa hàng của chúng tôi vẫn bán hàng online được và vẫn thu về lợi nhuận. Năm nay, nhiều bạn bè của gia đình cũng đang chuyển hướng đầu tư sang bất động sản. Sẵn có tiền dự trữ, kết hợp du xuân, năm nay gia đình tôi cũng muốn ngó qua vài mảnh đất nền giá rẻ tại các địa phương lân cận Hà Nội”.
Liên quan đến thị trường bất động sản, trong một báo cáo thị trường tháng 1/2022 của chuyên gia cho thấy, bất động sản Hà Nội trong tháng qua ghi nhận diễn biến tích cực ở nhiều phân khúc. Đáng chú ý nhất là phân khúc đất nền khi ghi nhận mức độ quan tâm tăng 13% và lượng tin đăng tăng vọt 64%. Con số trên phần nào cho thấy thị trường bất động sản đang từng bước hồi phục tích cực, đặc biệt là với phân khúc đất nền.
Trước đó, đơn vị này cũng cho biết, tại các tỉnh phía Bắc đặc biệt là Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang và Hưng Yên ghi nhận lượng tìm kiếm đất nền tăng mạnh so với tháng trước đó. Trong đó, nhu cầu tìm mua đất nền tại Hà Nội tăng 12% còn Hà Nam tăng hơn 36%. Các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang cũng có lượt quan tâm tìm mua đất nền tăng 18 – 22%, trong khi Bắc Ninh, Hải Dương cũng tăng 8 – 13%. Điểm chung là những thị trường này đều là các điểm nóng trong các đợt sốt đất đầu năm 2020 và 2021.
Lý giải về sức nóng của đất nền ngay từ đầu năm 2022, chuyên gia bđs cho biết, diễn biến tích cực của phân khúc này vẫn đến từ quy hoạch hạ tầng và đầu tư công được đẩy mạnh. Trong tháng 1, hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị tiếp tục được phê duyệt chủ trương hoặc điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, tăng trưởng của các hoạt động xây dựng sự kiến tăng 8% trong năm 2022, dựa vào việc đẩy mạnh các khoản chi tiêu “bù đắp” cho cơ sở hạ tầng. Đây cũng chính là động lực giúp thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng hồi phục và tăng trưởng.
Các chuyên gia về bất động sản cũng nhận định, đầu năm 2022 hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ không còn sốt như cùng thời kỳ đầu năm 2021. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cấp liên quan đã có kinh nghiệm hạ nhiệt giá đất sốt ảo, kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.
Cảnh báo của Bộ Xây dựng cho thấy, thời điểm hiện tại, nguy cơ “bong bóng” bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng “sốt giá” bất động sản trong năm. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009).
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Phan Long nhận định, để thị trường bất động sản hoạt động theo hướng tích cực, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường. Yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư tạo thúc đẩy phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn.
Cùng với đó, các địa phương tổ chức lập phê duyệt, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Một tín hiệu tích cực khác không chỉ cho năm 2021 mà cả những ngày đầu năm 2022, việc điều hành tín dụng với lãi suất cho vay trong tiếp tục giảm và ở mức khoảng 8-10%/năm, lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp khoảng 5-6%/năm đã góp phần kích thích việc vay vốn để mua nhà cũng như đầu tư bất động sản khi tiềm năng tăng giá bất động sản có thể đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm và đầu tư sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh còn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bảo An