Mặc dù những thách thức rất lớn xuất phát từ dịch bệnh COVID-19, thế nhưng Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia về thị trường BĐS công nghiệp, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang khá sôi động, đặc biệt là khu vực phía Nam. Trong đó, sự gia tăng về yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới đều thể hiện khá rõ nét.
Cơ hội nhiều…
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Nhật Quang, mặc dù những thách thức rất lớn kể từ khi xuất phát từ dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội lớn và không chỉ đơn thuần là trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới về đầu tư nước ngoài (FDI) dồi dào tại các khu công nghiệp mà còn khiến cho thị trường bất động sản khu vực này trở nên sôi động hơn, nếu không muốn nói là “sau nhiều năm trầm lắng”. Đặc biệt là khu vực phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
” Bất động sản công nghiệp phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới và thu hút ròng vốn FDI.
Dẫn chứng cho việc này là chỉ trong thời gian ngắn, thế nhưng rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp để đầu tư kinh doanh nhà xưởng theo quy mô lớn, với quỹ đất lên tới cả 1.000 ha.
Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.318,5 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới; Đài Loan 743,2 triệu USD, chiếm 10%; Trung Quốc 694,9 triệu USD, chiếm 9,3%;; Hàn Quốc 441,7 triệu USD, chiếm 5,9%; Nhật Bản 221,1 triệu USD, chiếm 3%…
“Điều này cho thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Một mặt là do các hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, cùng với đó là xung đột thương mại với Mỹ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất” – ông Vinh nhấn mạnh.
Thách thức lớn…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty Phương Hoàng nhận định: Vấn đề đầu tiên có thể nhắc tới chính là Việt Nam có lợi thế với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động thấp hơn sơ với các thị trường lân cận, do đó đây chính là điểm lợi thế.
Vấn đề thứ hai, sau đại dịch COVID-19 tính từ đầu năm đến tháng 5/2020, Việt Nam đã tạo ra sự uy tín rất lớn đối với bạn bè quốc tế khi kiểm soát dịch bệnh tốt, niềm tin của người dân với Chính phủ, tính linh hoạt và khả năng thích nghi nhanh chóng của Việt Nam tăng cao. Vì vậy, đây chính là những tiêu chí để quốc gia không thể bỏ lỡ các cơ hội đón sự chuyển dịch đầu tư quốc tế vào các khu công nghiệp.
Ở khu vực phía Nam, ngoài TP Hồ Chí Minh được xem là vùng lõi đã chật chội, thì các tỉnh, thành phố vùng ven đang được các nhà đầu tư rất quan tâm như: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai. Trong đó, đáng chú ý là thị trường Đồng Nai vốn được xem là tỉnh có nhiều triển vọng và đánh giá là tỉnh có sức thu hút cao nhờ có Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đang đưa ra hàng loạt khu “đất vàng” để đấu giá trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng lứu ý, bên cạnh cơ hội lớn thì thách thức cũng sẽ rất lớn. Chúng ta đồng ý là sức hấp dẫn của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố, như: chi phí lao động thấp; giá thuê đất hợp lý; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi… Thế nhưng, thực trạng về sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng còn khá nhiều bất cập.
Cụ thể, hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của KCN, KKT vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, định hướng chính sách của nhà nước. Và mặc dù vấn đề này đã có, nhưng lại chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy thị trường phát triển. “Do đó, đây chính là thách thức rất lớn cho loại hình này” – ông Hoàng lưu ý.
Hương Giang – Duy Long