Trước những bất cập của quy định phòng cháy, chữa cháy, trên tinh thần Công điện của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phân loại nhóm vướng mắc để giải quyết…
Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo đó, để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu:
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội;
Phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành trước ngày 30/4/2023…
Đánh giá về nội dung Công điện của Thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng, đây là động thái quyết liệt, cần thiết của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh các quy định PCCC mới được ban hành khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, thậm chí, “bất khả thi”. Tuy nhiên, việc xây dựng lại các văn bản cần có thời gian, nhanh cũng phải nhiều tháng, vì vậy, cần thiết phân loại nhóm vướng mắc để giải quyết cho doanh nghiệp.
Thông tin với báo chí, bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phân loại các nhóm vướng mắc của doanh nghiệp để giải quyết. Chẳng hạn, hàng nghìn doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh khác đang bị yêu cầu tạm dừng không nghiệm thu, tạm dừng hoạt động thì phải có giải pháp hướng dẫn. Bởi nếu phải chờ 1 năm nữa ra Thông tư mới thì hàng nghìn doanh nghiệp đó sẽ phá sản.
Ngoài ra, những vướng mắc về các quy định chuyển tiếp cần phải được làm rõ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC được ban hành và sửa đổi trong thời gian ngắn, không có thời gian chuyển tiếp nên việc nắm bắt, tuân thủ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mong bóc tách nhóm này ra để xem những cơ sở người ta đã xây sửa theo quy chuẩn cũ bây giờ lại nghiệm thu khi có quy định mới có hiệu lực thì cần ứng xử thế nào”, đại diện Ban IV đề xuất.
Đồng quan điểm đã nêu, chuyên gia pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, việc tăng cường các quy định về an toàn PCCC giúp giảm rủi ro cháy nổ cũng là điều cần thiết. Nhưng khi xây dựng quy định, cũng cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Nếu đặt ra quy định cao quá mức thì nhiều khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn những lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ. Do đó, quan trọng nhất vẫn là việc tính toán chi phí – lợi ích (hay còn gọi là đánh giá tác động định lượng) và việc tham vấn các bên liên quan khi xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật.
Tại Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI mới đây, những bất cập trong các quy định liên quan đến lĩnh vực PCCC cũng được chỉ rõ.
Trong đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, các quy định về PCCC còn một số bất cập khiến cho doanh nghiệp khó thực hiện và gia tang chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý. Cụ thể, các yêu cầu tại QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn quốc gia về an toàn cho nhà và công trình (ban hành bởi Thông tư 02/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng) có nhiều bất cập như, Phụ lục F, Quy chuẩn quy định cột, dầm thép nhà xưởng phải được bọc vật liệu chống cháy bằng vật liệu rỗng như thạch cao. Tuy nhiên, khi bọc vật liệu chống cháy vào kết cầu thép, hai loại này không đồng nhất khả năng chịu lực, chỉ cần va đập vào kết cấu thép thì bột thạch cao chống cháy hay lớp vữa chống cháy sẽ bong ra, ảnh hưởng đến chất lượng công trình;
Hay như, Phụ lục E, Quy chuẩn quy định về khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình. Theo ý kiến của doanh nghiệp, các yêu cầu về khoảng cách là khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp;…
Chính những bất cập này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp liên tục quan ngại trong thời gian qua, đặc biệt, nếu không có giải pháp kịp thời tháo gỡ, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.
Được biết, xoay quanh những bất cập của các quy định về PCCC, ngày 10/4 vừa qua, Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về PCCC; tháo gỡ các bất cập trong quy định về PCCC để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về PCCC đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Gia Nguyễn