Ngày 10/12, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng tất cả các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế năm 2020.
Chủ đề của ngày kỷ niệm năm nay phản ánh những thách thức và cơ hội đặt ra bởi đại dịch COVID-19, và kêu gọi tất cả các quốc gia đẩy mạnh bảo vệ quyền con người để xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch.
Tôn trọng quyền con người
Báo cáo đánh giá của Liên Hợp Quốc về tác động của COVID-19 đối với kinh tế và xã hội Việt Nam tháng 9 năm 2020 đã nhấn mạnh tính phức tạp và vô cùng nghiêm trọng của các tác động về kinh tế-xã hội của đại dịch, và hoan nghênh những nỗ lực to lớn được Chính phủ thực hiện nhằm giải quyết những thách thức này.
Báo cáo đánh giá đã nêu bật việc bảo vệ quyền con người trên nhiều phạm vi, bao gồm các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, phải là trọng tâm của bất kỳ chính sách và can thiệp nào nhằm giải quyết các tác động của COVID-19.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh những nỗ lực ứng phó được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền con người “sẽ giúp chuẩn bị nền tảng cho việc tái thiết các xã hội công bằng hơn và bền vững hơn, phát triển và hòa bình sau cuộc khủng hoảng này.”
Các chính sách và hành động ứng phó và phục hồi tại Việt Nam phải nghiêm túc xem xét các tác động không cân xứng của đại dịch trên các nhóm dân cư cụ thể – những nhóm đặc biệt thiệt thòi, bên lề xã hội và dễ bị tổn thương nhất.
Đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau
Việc đưa quan điểm, tiếng nói và kiến thức của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vào các biện pháp ứng phó và phục hồi cũng là rất cần thiết. Bằng cách đảm bảo vai trò đại diện, sự tham gia đầy đủ của họ, Việt Nam sẽ đảm bảo rằng không có ai bị bỏ lại phía sau.
Các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là quyền tự do biểu đạt, quyền được tiếp cận thông tin và quyền được tham gia vào việc ra quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người, và rất quan trọng để đảm bảo các biện pháp phục hồi sẽ hiệu quả, phù hợp và tương xứng.
Các quyền này cho phép sự tham gia tích cực một cách có ý nghĩa của mọi thành phần trong xã hội cũng như những tổ chức phi chính phủ vào quá trình thiết kế và thực hiện các ứng phó của Chính phủ đối với COVID-19.
Dựa trên thành công của mình trong việc xây dựng và duy trì lòng tin của công chúng, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các cuộc thảo luận rộng rãi để cùng xây dựng hướng đi tốt hơn.
Ngoài ra, các công cụ giám sát sức khỏe và nỗ lực chống lại “thông tin giả” phải tuân thủ các nguyên tắc về tính hợp pháp, sự cần thiết, tương xứng, phục vụ mục tiêu sức khỏe cộng đồng và đại diện cho cách tiếp cận cần thiết để đạt được kết quả mong muốn.
Quyết liệt giải quyết bất bình đẳng giới
Hôm nay (10/12), cũng đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch 16 Ngày Hành động Chống Bạo lực Giới.
Nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam đã cho thấy thực trạng nghiêm trọng và thu hút sự chú ý đến vấn đề bạo lực giới dưới góc độ rộng hơn.
Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng vốn đang tồn tại trước đó, phơi bày gốc rễ những điểm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, và nền kinh tế, từ đó làm trầm trọng thêm các tác động của đại dịch, trong đó có sự gia tăng bạo lực giới và sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và pháp lý.
Các đánh giá của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam lưu ý rằng bất bình đẳng giới là một vấn đề xuyên suốt phải được giải quyết thông qua tất cả các khía cạnh của các ứng phó với COVID-19.
Điều này đồng nghĩa với việc đặt phụ nữ và các tổ chức đang hoạt động hướng tới bình đẳng giới ở vị trí trung tâm của tất cả các kê hoạch ứng phó với COVID-19; cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em và những người sống sót sau bạo lực giới; chuyển đổi sự bất bình đẳng của các công việc chăm sóc không được trả lương thành một mảng kinh tế chăm sóc toàn diện mới, phù hợp với tất cả mọi người; và thiết kế các kế hoạch kinh tế – xã hội có chủ đích tập trung vào cuộc sống và tương lai của phụ nữ, trẻ em gái và những người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi bất bình đẳng giới.
Kế hoạch ứng phó và phục hồi của Việt Nam, cũng như chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cần tập trung vào tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, bảo vệ đầy đủ các quyền con người và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.
Từ cá nhân đến Chính phủ, từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng tại cơ sở đến khu vực tư nhân, tất cả mọi người đều có vai trò trong việc xây dựng một Việt Nam sau COVID-19 tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và tương lai. Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam để hỗ trợ đạt được nguyện vọng, mục tiêu này.
Bảo Lam