Làng nghề Việt Nam cần có những biện pháp thiết thực để “chạm” tới sự tinh túy của mỗi sản phẩm được tạo ra từ những đôi bàn tay của các nghệ nhân.
Sự khan hiếm về mẫu mã sản phẩm
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, tính đến nay, cả nước có 5.400 làng nghề, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Các nghề như làm gốm, chạm khắc gỗ, rèn, dệt lụa, thêu ren, làm đồ da, đan lát mây tre lá, làm hương bài… có thể đại diện cho các nghề truyền thống có từ lâu đời của các làng nghề ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nó được lữu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ với hình thức “cha truyền con nối”, từ nỗ lực của Chính phủ cùng với các địa phương qua từng giai đoạn phát triển kinh tế chung của cả nước.
Các nghệ nhân và thợ thủ công phát triển nghề đã nỗ lực giữ nghề đến ngày nay với tư cách là công việc kinh doanh hoặc sở thích vì nghề của họ sẵn từ gia đình bởi thế hệ trước. Nhiều sản phẩm là tác phẩm độc đáo, có giá trị cao của các nghệ nhân được thương mại hoá và đã từng đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, với sự phổ biến của sản phẩm làng nghề truyền thống và sự thay đổi của thị trường, thì nhu cầu của người tiêu dùng đỏi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khi mua sắm hoặc tới tham quan tại làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Phát triển làng nghề cho biết: “Trong bối cảnh này, nhiều người làm nghề, nhà sản xuất ở làng nghề và các địa phương có nghề phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, trong đó 3 vấn đề liên quan tới nguồn lực là: Nguồn lực để đổi mới sản phẩm; Nguồn lực để phát triển kênh kinh doanh; Nguồn lực cho tiếp thị và bán hàng.”
Bà Hương nhấn mạnh: “Quan trọng hơn, các cơ sở sản xuất ở làng nghề thiếu các sáng kiến đột phá và cơ hội để hành động và đổi mới. Năng lực đầu tư còn hạn chế ở quy mô nhỏ, nó cản trở việc mua sắm đầu vào tốt hơn, như: nguyên liệu, thiết bị, duy trì và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và có đủ sức khoẻ để làm việc năng suất và lâu bền”.
Thông qua các hoạt động khảo sát phục vụ nghiên cứu trong khoảng thời gian 5 năm gần đây của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Phát triển làng nghề về phản hồi từ khách hàng đều cho rằng “sản phẩm không hấp dẫn”. Đặc biệt là khách du lịch, khách tham quan các đợt hội chợ, họ cho biết “cách tiếp thị và bán hàng của các làng nghề chưa làm hài lòng người mua”.
Như chúng ta đã biết, Gốm Chu Đậu là một trong những dòng gốm cổ cao cấp nhất của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XII – XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIV – XV và bị thất truyền đầu thế kỷ XVII. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu là kiểu dáng, màu men và các họa tiết hoa văn thể hiện bản sắc văn hóa thuần Việt, phản ánh trung thực nền văn minh Châu thổ Sông Hồng nhưng sau đó đã thất truyền.
Bảo tồn và phát huy di sản
Công ty CP Gốm Chu Đậu đã phục hưng lại nghề Gốm Chu Đậu phát triển vùng du lịch làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho địa phương trong hơn 20 năm qua với hàng ngàn sản phẩm phỏng theo mẫu gốm Chu Đậu cổ cũng như sáng tạo ra nhiều mẫu mới đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng vẫn giữ được bản sắc của gốm Chu Đậu. Trong đó, một số sản phẩm đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là những sản phẩm có kích thước lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt ngày 09/09/2019 chiếc đĩa gốm Chu Đậu 1000 chữ Long viết bằng kiểu chữ thư pháp đã được tổ chức Kỷ lục thế giới vinh danh là sản phẩm đạt kỷ lục thế giới.
Cũng như Gốm Chu Đậu, Gốm Đức Tân Bát Tràng cũng thổi hồn vào gốm những giá trị văn hóa dân tộc tạo ra một dòng men mới lấy ý tưởng từ thiên nhiên, đất trời. Các làng nghề mây tre đan Mỹ Đức, dệt lụa Vạn Phúc… cũng sáng tạo trên các sản phẩm những nét mới, thổi hồn vào đó sự mới lạ của sản phẩm.
Tuy nhiên, cần có các biện pháp thiết thực hơn để “chạm” đến giá trị tinh túy của từng sản phẩm. Nâng cao được chất lượng các sản phẩm thủ công. Bà Hương nhấn mạnh, làng nghề cần thay đổi, sản phẩm làng nghề cần được làm mới. Hoạt động cho sự hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề cần được hành động dựa trên quan điểm về hợp tác địa phương.
Cách tiếp cận là dựa vào cồng đồng nghệ nhân, hiệp hội của thợ thủ công và các trung tâm R&D để tiếp thị và mang các sản phẩm tới đúng nơi khách hàng có nhu cầu và để gia tăng giá trị của nghề truyền thống. Bà bày tỏ mong muốn có sự hợp tác từ các làng nghề và cộng đồng nghệ nhân ở các địa phương. Sự hợp tác này được cụ thể hoá thành các dự án nhỏ, trước hết là dự án ưu tiên “Làng thủ công năng động”.
Cũng đưa ra quan điểm về bảo tồn và phát triển di sản, ông Nguyễn Hữu Thức – CEO gốm Chu Đậu đề xuất, tăng cường liên kết các Tours du lịch với các làng nghề, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của làng các nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, tổ chức giao lưu, liên kết các doanh nghiệp các tỉnh trên cả nước để quảng bá và khai thác thế mạnh của nhau góp phần cho sự phát triển chung.
Đào Vũ