Tính từ lần đầu tiên đặt chân sang xứ sở bạch dương cho đến tận lúc nghỉ hưu, công việc của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan không ít thì nhiều đều liên quan tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, sau này là Liên bang (LB) Nga. Trong suốt chặng đường hơn 50 năm ấy, dù là Liên Xô hay LB Nga cũng đều để lại trong ông biết bao nhiêu ân tình.
Se duyên
Bước vào tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn được như trước, song những ký ức về Liên Xô hay nước Nga vẫn vẹn nguyên với ông Vũ Khoan. Cách kể chuyện liền mạch, rành rọt của ông khiến người nghe ngỡ mọi thứ như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua chứ không phải là của hàng chục năm trước. Có lẽ, hình ảnh xứ sở bạch dương đã in sâu trong tim nên ông không bao giờ quên được.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ông Vũ Khoan vẫn còn nhớ đó là vào buổi tối một ngày của năm 1954. Các học sinh của Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) bất ngờ được triệu tập họp và nghe công bố quyết định cử 100 người, trong đó có Vũ Khoan, tới Liên Xô học tiếng Nga để trở thành phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô sẽ sang giúp khôi phục lại miền Bắc nước ta sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Tháng 9-1954, 100 con người ấy chính thức đặt chân đến Liên Xô, nơi có những cánh rừng Taiga bát ngát, phủ lá vàng thu đẹp như tranh vẽ hay mặt hồ Baikal trong vắt phản chiếu bầu trời xanh ngắt tựa như một chiếc gương khổng lồ. “Tôi bén duyên với xứ sở bạch dương cũng bắt đầu từ dạo ấy”, ông Vũ Khoan nói.
Nói là duyên cũng phải. Bởi, tính từ đầu năm 1956, tức là sau hơn một năm học tiếng Nga tại Liên Xô, cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, ông Vũ Khoan đã 4 lần được điều động tới công tác tại Đại sứ quán nước ta ở thủ đô Moscow. Cũng trong khoảng thời gian này, ông vinh dự có cơ hội tháp tùng, làm phiên dịch cho Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang thăm, làm việc tại Liên Xô, như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… Ông còn “gặp mặt, bắt tay” các nhà lãnh đạo Liên Xô, từ Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev cho tới Aleksey Kosygin hay Yuri Andropov… Sau khi Liên Xô giải thể, công việc của ông, dù trên cương vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao hay Bộ Thương mại, hoặc ngay cả khi đã trở thành Phó thủ tướng, lại ít nhiều có liên quan tới LB Nga.
Cái duyên của ông Vũ Khoan với xứ sở bạch dương đâu chỉ có thế. Không phải ai cũng biết rằng tuy cùng là học sinh của Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) nhưng chỉ đến khi sang Liên Xô học tiếng Nga, ông và phu nhân Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí-Bộ Ngoại giao, mới bắt đầu quen nhau. Đó cũng là khởi nguồn cho những cánh thư chất chứa yêu thương giữa hai người sau khi ông được điều động tới Đại sứ quán nước ta tại thủ đô Moscow vào năm 1956 còn bà về nước công tác. Và như lời ông nói, chính những ngày tháng “dùi mài kinh sử” ở Liên Xô đã se duyên hai người với nhau.
“Nhường cơm sẻ áo”
Ông Vũ Khoan thuộc thế hệ những cán bộ Việt Nam đầu tiên được phía Liên Xô đào tạo theo đề nghị của Bác Hồ. Ông nói mình luôn mang ơn xứ sở bạch dương. Với ông, đó là một sự thực khách quan chứ chẳng phải vì từng học ở Liên Xô, làm ngoại giao với Liên Xô, sau này là LB Nga mà ông mới nói “lời hay ý đẹp”.
Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông kể lại câu chuyện về lần ghé thăm nơi ở của các thầy cô giáo tiếng Nga. Tận mắt chứng kiến mỗi gia đình chen chúc nhau trong một căn buồng vỏn vẹn 10-15m2, dùng chung một gian bếp và nhà vệ sinh với vài gia đình khác, mà lại ở ngay thủ đô Moscow, ông mới thấy đời sống của nhân dân Liên Xô khi ấy còn cơ cực lắm. “Không hiểu nổi sao họ có thể sinh sống được như vậy vì thân hình người Liên Xô đâu hề nhỏ!”, ông cảm thán.
Thực tế là đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô bước ra từ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chưa lâu nên vẫn còn muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, điều đáng nói là tuy cuộc sống còn cơ cực, song nhân dân Liên Xô chẳng hề ca thán một lời, mà trái lại luôn tự hào, dốc lòng cho nhiệm vụ mà ông Vũ Khoan nói vui là “vác tù và hàng tổng”. Các sinh viên Việt Nam như ông được tạo mọi điều kiện học tập, sinh hoạt tốt nhất có thể. Trong ký ức của ông, các thầy cô giáo Liên Xô luôn coi sinh viên Việt Nam như con em trong nhà, hết lòng dẫn dắt họ vào thế giới của một thứ ngôn ngữ rất đẹp nhưng cũng rất khó là tiếng Nga trong điều kiện ngôn ngữ bất đồng, không có sách giáo khoa hay từ điển. Còn có những lần ông và các bạn đồng khóa được thầy cô dẫn đi xem múa ballet, nghe opera ở nhà hát lớn, đi nghỉ đông ở ngoại ô hay đi chơi biển vào mùa hè… Với ông, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. “Có lần tôi bị sốt rét, cô giáo thức trắng đêm, ngồi bên giường trông nom. Các thầy cô giáo Liên Xô giống như bố mẹ chúng tôi vậy”, ông Vũ Khoan bùi ngùi nhớ lại.
Những năm sau này, ngoài những ký ức ấm áp về sự yêu thương, chăm sóc của các thầy cô, những gì được “nghe tận tai, thấy tận mắt” càng khiến ông Vũ Khoan nhận thấy tình cảm mà nhân dân Liên Xô dành cho người anh em Việt Nam thật lớn lao và đáng quý biết chừng nào. Ông không thể nào quên hình ảnh các cựu chiến binh Liên Xô tới Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow xung phong tình nguyện sang sát cánh cùng quân và dân ta chiến đấu chống ngoại xâm. Còn có các cụ già chống gậy tới Đại sứ quán sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, mong muốn được gửi số tiền trích từ sổ tiết kiệm ít ỏi của mình để giúp đỡ nhân dân Việt Nam; hay những em thiếu nhi nhờ Đại sứ quán gửi sách vở, giấy bút, khăn quàng đỏ tặng các bạn Việt Nam. Khi được tin Bác Hồ mất, toàn bộ ban lãnh đạo Liên Xô đã tới ngay Đại sứ quán ta để chia buồn, đồng thời cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alexei Kosygin sang Hà Nội dự tang lễ. Nhiều ngày liền sau đó là dòng người Liên Xô thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp, vùng miền xếp hàng dài vô tận tới Đại sứ quán Việt Nam viếng Bác. “Tình cảm của nhân dân Liên Xô là như vậy, trước sau như một luôn ủng hộ nhân dân Việt Nam”, ông Vũ Khoan khẳng định.
Sự giúp đỡ kịp thời
Ai cũng biết sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí tình, toàn diện và đầy hiệu quả của Liên Xô trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng với Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Số liệu chi tiết về những viện trợ kinh tế, quân sự của Liên Xô dành cho Việt Nam đã được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Vũ Khoan, cần phải nhấn mạnh một điều rằng sự giúp đỡ ấy của Liên Xô đến rất kịp thời.
Còn nhớ vào đầu năm 1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Aleksey Kosygin sang thăm Hà Nội đúng lúc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Là người trực tiếp tham gia phục vụ chuyến thăm này, ông Vũ Khoan kể lại rằng khi ấy, nhà lãnh đạo Liên Xô đã kịch liệt lên án hành vi của Washington, đồng thời tích cực hưởng ứng đề nghị viện trợ vũ khí để Việt Nam đáp trả. Hay đơn cử như cuối năm 1972, khi ông Vũ Khoan đang tham gia phục vụ đoàn đại biểu cấp cao nước ta do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu sang dự Lễ kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập LB Xô viết cũng là thời điểm Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc. Bộ Chính trị đã điện sang, đề nghị đồng chí Trường Chinh đặt vấn đề với các nhà lãnh đạo Liên Xô viện trợ bổ sung vũ khí cho ta và phía bạn đã ngay lập tức đáp ứng. Theo ông Vũ Khoan, đây chỉ là hai trong số rất nhiều dẫn chứng cụ thể về tinh thần “hoạn nạn có nhau” của mối quan hệ Việt-Xô vốn được xem là một hình mẫu của tình nghĩa quốc tế trong sáng và thủy chung lúc bấy giờ.
Cảm tình của Tổng thống V.Putin
Cuối năm 1991, Liên Xô giải thể. Tình hình những năm sau đó tuy có nhiều thay đổi, song ông Vũ Khoan cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga vẫn là mối quan hệ tin cậy sâu sắc, kế thừa tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc vốn được đắp xây bằng tình cảm, công sức, sự hy sinh quên mình của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền, quan hệ Nga-Việt ngày càng “đơm hoa kết trái”, trở thành đối tác chiến lược để rồi sau đó nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay.
Nói đến Tổng thống V. Putin, ông Vũ Khoan vẫn nhớ như in lần đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Nga cách đây gần 20 năm. Chuyện là hồi năm 2001, sau chuyến công tác tại châu Âu, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đã bay sang Thượng Hải (Trung Quốc) để tham gia đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 9. Vì cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống V. Putin không chuẩn bị được phiên dịch viên tiếng Việt cũng như tiếng Nga nên ông Vũ Khoan trở thành phiên dịch viên “bất đắc dĩ”. Chẳng những ngạc nhiên khi thấy một vị bộ trưởng đảm nhiệm vai trò phiên dịch viên, nhà lãnh đạo Nga còn không khỏi bất ngờ trước trình độ tiếng Nga của vị bộ trưởng!
Sau này, trên cương vị Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại, ông Vũ Khoan còn nhiều lần có dịp gặp lại Tổng thống V. Putin khi cùng các đồng chí lãnh đạo nước ta sang thăm LB Nga hay khi nhà lãnh đạo Nga sang thăm Việt Nam. “Tổng thống V. Putin chính là người quyết định xóa nốt các khoản nợ của Việt Nam đối với LB Nga kể từ sau năm 1973. Trước đó, nhân chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo nước ta hồi năm 1973, phía Liên Xô đã tuyên bố xóa các khoản nợ trị giá nhiều tỷ USD. Cảm tưởng chung của tôi là Tổng thống V. Putin rất có cảm tình với Việt Nam. Vì thế mà mọi bước đi của LB Nga với Việt Nam đều rất thuận”, ông Vũ Khoan chia sẻ.
Thế hệ những người như ông Vũ Khoan có cảm tình đặc biệt với xứ sở bạch dương âu cũng là dễ hiểu bởi dù gì họ từng bao lần ăn bánh mì đen thay cơm, tận mắt chứng kiến chặng đường mấy chục năm đầy thử thách và biến động để cùng nhau xây đắp tượng đài hữu nghị giữa hai nước. Nói là vậy, nhưng theo lời ông Vũ Khoan, có lẽ một phần là do kế thừa từ các thế hệ trước mà thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cũng “thể hiện cảm tình rất rõ” với đất nước Nga.
Quan hệ Việt-Nga có một quá khứ đầy tự hào đã được kiểm chứng qua những biến động của lịch sử. Giờ đây, cũng chính với những tình cảm chân thành và gắn bó ấy, ông Vũ Khoan tin rằng quan hệ hai nước chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng ở phía trước.
Hoàng Vũ