Ông Lê Hùng Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Xã hội mới đây.

Theo số liệu thống kê từ 2016-2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần là 4,84 triệu người, trong đó có 1,24 triệu người sau khi rút bảo hiểm xã hội quay trở lại hệ thống. Như vậy, còn 72,3% người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng không thấy quay lại đóng bảo hiểm xã hội.

Ông Sơn cho biết, trong số những người rút bảo hiểm xã hội một lần, có 55% là lao động nữ. Gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đè lên vai người phụ nữ nặng hơn.

Nhiều doanh nghiệp FDI tìm cách không dùng lao động nữ ngoài 30 tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Hiện trạng rút BHXH một lần ngày một gia tăng thời gian qua.

Theo ông Lê Hùng Sơn, thực trạng trên phụ thuộc vào tình hình kinh tế, việc làm, thu nhập. Song qua nghiên cứu cho thấy một phần nguyên nhân của việc rút bảo hiểm xã hội một lần phụ thuộc vào nếp sống, đặc trưng vùng miền.

Vẫn theo số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, số người rút bảo hiểm xã hội một lần là 369.800 người, tăng hơn 20% so với cùng kì.

Phân tích về nguyên nhân này, theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một phần do áp lực về kinh tế, mất việc, phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trước đó, dự thảo tờ trình Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi do Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 so với hiện hành.

Cơ quan này cho rằng việc trên tạo cơ hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu.

Theo đó, lương hưu tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của nữ. Sau đó, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tính thêm 2%, trần tối đa 75%.

Đặc biệt, người có số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng tỉ lệ hưởng lương hưu 75% thì còn nhận thêm trợ cấp một lần. Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng một lần mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Việc này nhằm khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm một lần.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, nhiều nước đã có quy định hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, bởi việc này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh. Có thể do nhu cầu trước mắt, khó khăn đời sống nên người lao động cần rút, nhưng đến khi hết tuổi lao động sẽ khó có thể lấy nguồn để sinh sống.

Ông Huân cho rằng với phương án giữ nguyên quy định hiện hành thì số người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn gia tăng, tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội tăng rất chậm. Khi hai người vào hệ thống bảo hiểm xã hội, có một người rút ra sẽ làm cho lưới an sinh rất mỏng.

Ông Huân cũng cho rằng, cạnh đó bảo hiểm xã hội phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng vào, đảm bảo cho trượt giá, đầu tư sinh lời làm cho mức lương hưu tăng dần lên. Đây là yếu tố giúp người dân yên tâm.

“Thực tế cuộc sống khó khăn, nhiều người lao động không biết bấu víu vào đâu nên chỉ trông chờ vào khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và ồ ạt đi rút một lần. Tới đây các cơ quan chức năng cần tính toán để có chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn vay mượn với lãi suất thấp. Từ đó giúp họ trang trải được cuộc sống tạm thời và không nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần”, ông Huân đề nghị.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng lao động đã nghe thông tin sắp thay đổi quy định hưởng BHXH một lần không toàn diện. Lo ảnh hưởng quyền lợi nên nhiều người chọn rút trước. Đề nghị các cơ quan tiếp tục tuyên truyền để người lao động thấy rõ thiệt hại khi rút bảo hiểm một lần.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị các cơ quan liên quan đánh giá tác động và có chính sách hỗ trợ, đảm bảo an ninh thu nhập cho lao động trong trường hợp cần thiết.

Lam Song