Đang dấy lên những tranh luận nhiều chiều bảo hiểm xe cơ giới có giá trị thực tế tới đâu, khi theo quy định tổng kiểm tra, nhà nhà đổ xô mua bảo hiểm.
Thị trường màu mỡ
Có thể nói, bảo hiểm xe cơ giới (BHXCG) tại Việt Nam là một thị trường khá màu mỡ đối với các doanh nghiệp ngành Bảo hiểm phi nhân thọ. Chỉ tính riêng xe máy, Việt Nam hiện nay đã có khoảng 50 triệu chiếc. Nếu bắt buộc mỗi chiếc xe máy phải mua một bảo hiểm với giá bình quân là 60.000đ/năm, thì mỗi năm các doanh nghiệp bảo hiểm thu về khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Đây là một “miếng bánh” khổng lồ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn chen chân vào.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận, hàng năm doanh nghiệp của ông thu về gần 2.000 tỷ đồng từ tiền bán bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, khoản thu này lại ít phải chi ra, vì hầu như rất ít vụ tai nạn liên quan đến xe máy mà người mua bảo hiểm yêu cầu công ty bồi thường.
Năm 2019, chỉ tính riêng doanh thu thuần phí bảo hiểm xe cơ giới tại Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã lên tới 2.202 tỷ đồng, tương đương với 69% tổng doanh thu phí bảo hiểm thuần của công ty trong cả năm. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày PTI bán được hơn 6 tỷ tiền bảo hiểm xe cơ giới.
Cùng có doanh thu nghìn tỷ từ bảo hiểm xe cơ giới. Năm 2019, loại hình bảo hiểm này mang về cho Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) 1.284 tỷ đồng doanh thu thuần, đóng góp tới 57% tổng doanh thu phí bảo hiểm thuần hợp nhất. Bảo hiểm xe cơ giới cũng đóng vai trò là nguồn thu chính cho PJICO với doanh số trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Tương tự, cũng trong năm 2019, Cùng năm, Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt 1.638 tỷ đồng. Ttrong đó, 972 tỷ đồng đến từ bảo hiểm xe cơ giới, chiếm 59% tổng doanh thu bảo hiểm thuần của MIC. So với năm 2018, loại hình bảo hiểm này của MIC đã ghi nhận đà tăng trưởng 34% trong khi tổng doanh thu phí bảo hiểm thuần chỉ tăng hơn 10%.
Còn với các công ty bảo hiểm có quy mô nhỏ hơn, loại hình bảo hiểm xe cơ giới cũng mang về doanh thu hang tram tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp như: Bảo hiểm Bảo Minh đạt 796 tỷ đồng; BIC thu hơn 712 tỷ đồng và Bảo hiểm VietinBank – VBI thu hơn 431 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Hiền, một người bán bảo hiểm xe máy trên đường 3 tháng 2, quận 10, TP. HCM cho biết, hơn một tuần nay, từ khi có thông tin CSGT sẽ phạt nếu người tham gia giao thông không có BHXM, công việc buôn bán của chị đã trở nên đắt hàng hơn. Mỗi ngày chị bán được gần cả trăm cái bảo hiểm xe máy cho người đi đường.
“Trước đây, mỗi ngày tôi chỉ bán được vài cái nên phải bán thêm nước giải khát cho khách. Nhưng hơn một tuần nay, mỗi ngày tôi bán được gần cả trăm cái BHXM, nên thu nhập cũng khá hơn”, chị Hiền phấn khởi chia sẻ.
Theo chị Hiền, người dân chủ yếu mua loại bảo hiểm xe máy có giá 66.000đ/một năm. Khi tôi chỉ vào tấm biển ghi “BHXM 10.000đ/năm” thắc mắc về giá thì chị cười và nói: “Đấy chỉ là “chiêu” của những người bán bảo hiểm vỉa hè thôi. Loại bảo hiểm đấy chỉ là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi sau, loại này chỉ bán kèm theo nếu người mua có yêu cầu, không phải loại bắt buộc mà CSGT kiểm tra đâu”.
Mua chỉ để đối phó với CSGT
Đại đa số người mua bảo hiểm xe cơ giới khi được hỏi đều cho rằng họ mua bảo hiển xe cơ giới chỉ để đối phó với CSGT khi bị kiểm tra, chứ không mấy ai quan tâm đến quyền lợi của mình khi xảy ra tai nạn. Lí do được nhiều người cho rằng, thủ tục thì nhiêu khê, lại tốn kém thời gian và sợ rắc rối với cơ quan công quyền. Nên hầu hết những vụ tai nạn liên quan đến xe máy, nếu không xảy ra chết người thì thường đều được giải quyết trên tinh thần tự hòa giải và tự thương lượng với nhau.
Người mua cần phải phân biệt được đâu là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới, đâu là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi sau xe máy để tránh nhầm lẫn.
Chị Nguyễn Thị Hoa, quận 3, TP. HCM cho biết, bao nhiêu năm nay, năm nào chị cũng mua BHXM, nhưng cũng chỉ để trong cốp xe, phòng khi CSGT hỏi tới thì xuất trình ra để không bị phạt. Chị nói, chưa bao giờ chị nghĩ đến việc đòi công ty bảo hiểm đền bù khi bị tai nạn, vì chị biết thủ tục để được bồi thường sẽ rất nhiêu khê và mất thời gian.
“May là tôi cũng chưa bị tai nạn cũng như gây tai nạn cho ai, nên cứ mua để đấy cho đầy đủ giấy tờ khi tham gia giao thông thôi. Chứ để được đền bù theo tôi nghĩ là điều không thể. Tôi thấy thủ tục cũng có cái vô lý, nhưng đó là quy định của công ty bảo hiểm nên mình cũng không thể làm gì được”, chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Long, quận Tân Bình, TP. HCM cho rằng, vì là bắt buộc nên anh mới phải mua BHXM, chứ nếu là tự nguyện thì anh sẽ không bao giờ mua. Anh kể, có lần em của anh bị tai nạn xe máy, thương tích cũng khá nặng, lúc ấy mọi người chỉ lo đưa người bị nạn đi cấp cứu, không ai nghĩ đến việc phải giữ hiện trường cả, nên khi yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường thì hồ sơ bị thiếu Biên bản hiện trường của CSGT nên không được giải quyết. Mọi chi phí điều trị gia đình anh phải tự chi trả.
“Khi làm hồ sơ yêu cầu bồi thường, gia đình tôi cũng đoán trước là sẽ khó được, nhưng vẫn cứ hi vọng vì biết đâu lại được thì sao vì mình có đầy đủ giấy tờ điều trị của bệnh viện. Nhưng khi gặp nhân viên tư vấn của công ty bảo hiểm mình mới thất vọng. Nói thật là vừa mất thời gian lại rước thêm bực vào thân”, anh Long cho biết.
Anh Long nêu quan điểm, nếu đã là bắt buộc thì các cơ quan chức năng cũng cần phải có sự giám sát hoạt động chi trả bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm. Phải đơn giản hóa thủ tục cho người dân khi cần. Cũng không loại trừ khả năng có “lợi ích nhóm” đằng sau cái quyết định bắt buộc này.
Còn anh Nguyễn Công Doanh, huyện Bình Chánh, TP. HCM thì cho biết, năm ngoái trên đường đi làm về, một người phụ nữ đi xe đạp qua đường quá nhanh mà không quan sát, anh không kịp né tránh nên đã tông vào người phụ nữ trên. Mặc dù lỗi không phải từ phía anh nhưng do người nhà của người phụ nữ này kéo ra quá đông, gây sức ép buộc anh phải móc túi bồi thường cho người phụ nữ này 5 triệu đồng mới được cho đi.
Anh Doanh cho hay, anh cũng đề nghị được đưa người bị nạn đến bệnh viện điều trị để có hồ sơ của bệnh viện làm cơ sở để yêu cầu bảo hiểm bồi thường vì anh cũng mua bảo hiểm xe máy, nhưng không được người nhà đồng ý. “Chắc họ cũng biết là lỗi thuộc về người nhà của họ và sợ sẽ gặp rắc rối nên không đồng ý cho tôi đưa đi bệnh viện” – anh Doanh cho biết.
Sau đó, anh cũng lên mạng tìm hiểu thủ tục để được nhận bồi thường của công ty bảo hiểm nhưng thấy có quá nhiều thủ tục. Đối chiếu với trường hợp của mình, thấy thiếu mấy giấy tờ quan trọng nên anh đành bỏ qua.
“Thật ra, tôi cũng như nhiều người khác, mua bảo hiểm xe máy chỉ là để đối phó với CSGT chứ cũng chẳng hi vọng là sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường nếu có xảy ra tai nạn. Tôi nghĩ Nhà nước nên bỏ quy định bắt buộc người dân phải mua loại hình bảo hiểm này”, anh Doanh nêu ý kiến.
Đình Đại