Bất kì ai làm bóng vào lỗ chỉ với một cú đánh duy nhất (thuật ngữ gọi là cú hole-in-one – tạm dịch là “cú một gậy”) sẽ nhận một triệu đôla Mỹ.
Một ngày ấm áp tháng 09/2009, Jason Hargett – chủ nhà hàng, một tay gôn nghiệp dư – bước đến cọc phát bóng trong khuôn khổ một giải gôn từ thiện tổ chức ở thành phố Heber City (Mỹ). Giải đấu đang đến hồi kết với phần thưởng rất giá trị: bất kì ai làm bóng vào lỗ chỉ với một cú đánh duy nhất (thuật ngữ gọi là cú hole-in-one – tạm dịch là “cú một gậy”) sẽ nhận một triệu đôla Mỹ.
Hargett vung gậy. Trái bóng bổng lên không trung, bay gần 140m, rơi xuống mặt cỏ xanh, rồi từ từ lăn ngược vào lỗ. Đám đông vỡ òa hào hứng trước cú đánh, chủ nhân của cú đánh cũng chạy như bay để ăn mừng trong sự ngỡ ngàng.
Nhưng có một bên không hề vui trước sự kiện hiếm có trên, đó là hãng bảo hiểm hợp tác với ban tổ chức.
Khi “hay” và “hên” đều phải… bao
Hiện nay, bất kì giải gôn nào cũng treo thưởng khá hậu cho những cú một gậy (tiền mặt, xe hơi, hay một chuyến du lịch). Tuy tỉ lệ thành công rất thấp – trung bình một tay nghiệp dư phải đánh 12.500 cú mới có một lần vào lỗ – các nhà tổ chức vẫn rất ngại khi “một lần” đó thực sự xảy ra vì lí do… kinh phí. Vì thế, nhà tổ chức sẽ liên hệ bảo hiểm để trang trải khoản thưởng cho những cú này.
Trên thực tế, việc bảo hiểm cho những cú một gậy đã có cách đây gần cả trăm năm, nhưng mục đích nó hoàn toàn khác với hiện tại. Thông lệ ngày xưa (và ngày nay vẫn còn) là chủ nhân của cú một gậy sẽ bao mọi người uống một chầu, thế là vị chủ nhân kiêm chủ xị vì may mắn đánh một gậy vào lỗ mà lỗ ngập mặt. Bảo hiểm cho những cú một gậy vì thế mà ra đời.
Các hãng bảo hiểm chuyên dịch vụ này ra đời sớm nhất vào năm 1933, khi đó một tay chơi “may mắn” sẽ trả một khoản phí chừng 1,5 đô (khoảng 35 đô ngày nay) để bên bảo hiểm thanh toán một chầu 25 đô (khoảng 550 đô ngày nay).
Theo thời gian, mô hình trên dần thoái trào ở Mỹ, nhưng vẫn phát triển và trở thành một ngành kinh doanh béo bở tại Nhật, nơi các tay chơi “may mắn” sẽ phải mời mọi người ăn mừng cú một gậy một bữa chẳng khác gì một tiệc cưới nhỏ (có đồ ăn, thức uống, nhạc sống, thậm chí trồng cây kỉ niệm).
Đến thập niên 1990, ngành bảo hiểm một gậy có giá trị thị trường lên đến 220 triệu đô, và ước tính có tới 30% gôn thủ Nhật chi khoảng 50-70 đô/năm để họ không phải cúng lên đến 3.500 đô tiền tiệc tùng.
Bình cũ rượu mới
Cũng trong thập niên 1990, các giải gôn Mỹ bắt đầu treo thưởng đậm cho những cú một gậy nhằm thu hút truyền thông, và bảo hiểm một gậy cũng trở lại – lần này là dành cho ban tổ chức giải.
Ông Mark Gilmartin là Chủ tịch của Hole In One International – một trong những hãng bảo hiểm một gậy lâu đời nhất tại Mỹ. Ý tưởng thành lập Hole In One International đến với ông vào năm 1991, khi đó ông là chủ một công ty sửa chữa gậy gôn và nhận thấy nhu cầu hỗ trợ chi trả giải thưởng ở các giải gôn từ thiện ngày càng phổ biến.
Ông cho biết giờ đây thị trường bảo hiểm đặc biệt này đầy rẫy cạnh tranh, với khoảng 20 công ty kèn cựa nhau từng thông tin các giải đấu lẫn từng đồng đôla giải thưởng. Ông cũng chia sẻ cách thức hoạt động của hãng bảo hiểm như sau:
1/ Ban tổ chức quyết định treo phần thưởng nào đó (ví dụ: một chiếc Mercedes 60.000 đô) cho chủ nhân cú một gậy.
2/ Ban tổ chức hợp tác với một nhà tài trợ (trong ví dụ trên là một cửa hàng bán xe) để cung cấp phần thưởng.
3/ Nhà tài trợ sẽ trả Hole In One International một khoản phí tầm 200 – 1.000 đô. Nếu có tay chơi nào đạt cú một gậy, hãng bảo hiểm sẽ lo chi phí phần thưởng.
Gilmartin cho biết mức phí bảo hiểm sẽ dựa trên ba yếu tố: số lượng gôn thủ dự giải, khoảng cách từ điểm phát bóng đến lỗ, và giá trị phần thưởng. Sau khi nhận các thông tin này, Gilmartin sẽ nhập vào thuật toán để tính các khả năng, cân nhắc rủi ro và chênh lệch, cuối cùng cho ra mức phí bảo hiểm. Đơn cử như một giải có 100 tay chơi, khoảng cách phát bóng chừng 150 m, và phần thưởng 10.000 đô thì phí bảo hiểm sẽ là 235 đô.
Những lần móc túi để đời
Các hãng bảo hiểm hoạt động dựa trên nguyên tắc xác suất xảy ra sự kiện phải thật nhỏ, và bảo hiểm một gậy cũng vậy: để đạt một cú một gậy, gôn thủ chuyên nghiệp cũng cần đến 3.000 lượt đánh, còn những tay nghiệp dư cần gấp bốn lần số này mới thành công.
Tuy nhiên, mỗi năm có tận 450 triệu ván gôn diễn ra, và quy mô lẫn độ phổ biến của trò chơi này khiến sự kiện “hi hữu” trên diễn ra… mỗi ngày – một cơ quan lưu trữ dữ liệu của tất cả những cú một gậy từ trước đến nay ước tính mỗi năm các gôn thủ trên toàn thế giới thực hiện thành công tới 128.000 cú.
Điều đó nghĩa là các hãng bảo hiểm như của ông Gilmartin sẽ phải thường xuyên móc hầu bao. Mỗi năm, Hole In One International hợp tác bảo hiểm cho khoảng 15.000 giải gôn và thầu chi phí giải thưởng cho hàng trăm cú một gậy. Hầu hết giải đều có trị giá dưới 100.000 đô, nhưng cũng có những cơn đau ví nặng như vụ ba nữ gôn thủ đều đạt một gậy trong một tuần tháng 11/2021: mỗi người được tặng gói thuê một chiếc Lamborghini Huracán trong hai năm, và Hole In One International phải chi đến 300.000 đô mà cho đến hiện tại ông Gilmartin vẫn còn ngán ngẩm “các cô ấy đánh cháy thật”.
Sau hơn 30 năm kể từ lúc thành lập năm 1991, Hole In One International đã trả 56 triệu đô bảo hiểm tiền thưởng, trong đó có ít nhất bốn lần chi một triệu đô như cú đánh của chủ nhà hàng Jason Hargett ở đầu bài.
Để đảm bảo công bằng (và độ dày của ví không vơi quá nhiều), hãng của ông Gilmartin sẽ yêu cầu bằng chứng trước khi trao giải: một bản tường trình từ một nhân chứng trung lập và không tham gia chơi, kèm với một cuộc điều tra tính xác thực của cú đánh.
Thỉnh thoảng gian lận vẫn xảy ra: một người đàn ông thành công vào năm 1998 và đứng trước lựa chọn là một chiếc xe Cadillac đời 1931 hoặc 40.000 đô tiền mặt, nhưng sau đó hãng phát hiện ban tổ chức đã dàn cảnh cú đánh, vì thế ban tổ chức bị kết tội lừa đảo và giải thưởng bị hủy.
Theo ông Gilmartin, những trường hợp phải từ chối trao giải như trên rất ít xảy ra trong một môn thể thao thời thượng và uy tín như gôn, và mặc dù phải chi tầm 2-4 triệu đô tiền thưởng mỗi năm, hãng của ông vẫn có lãi.
Quốc Huy