Trong bối cảnh vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao đăng đặt nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào nguy cơ đổ vỡ cơ cấu tài chính.

vlxd

Cơ chế bảo hiểm về giá VLXD là nhu cầu cấp thiết và là đòi hỏi của thị trường trong dài hạn.

Theo thông tin từ Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thời gian gần đây, giá VLXD nói chung đều tăng cao, đặc biệt là thép ghi nhận mức tăng lên đến 40% trong khi hợp đồng xây lắp đã chốt đơn giá VLXD từ trước. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, nếu các nhà thầu bắt buộc phải thi công theo hợp đồng, đơn giá cũ thì nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản là rất cao.

Dưới góc độ doanh nghiệp xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, cơ chế bảo hiểm về giá và trượt giá VLXD là nhu cầu cấp thiết không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà là đòi hỏi của thị trường, trong dài hạn.

Tuy nhiên ngoài vấn đề bảo hiểm, các doanh nghiệp xây dựng cần sớm có một sàn giao dịch VLXD hoạt động hiệu quả và thực chất. Mặc dù hiện tại, Việt Nam cũng đã có những sàn giao dịch hàng hóa, tuy nhiên những sàn này hầu như hoạt động chỉ mang tính chất trung gian, môi giới chứ chưa có những sản phẩm giao dịch của riêng mình.

Việc phát triển sàn giao dịch VLXD được xem là bước phát triển quan trọng để thị trường VLXD phát triển ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, việc hình thành các sàn giao dịch VLXD sẽ cung cấp sản phẩm hợp đồng kỳ hạn, tiêu chuẩn, chất lượng VLXD từ đó sẽ được nâng lên.

Thực tế, vấn đề thành lập sàn giao dịch VLXD không phải là biện pháp mới vì các doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện cách làm này khá tốt. Tại Việt Nam việc thành lập sàn giao dịch VLXD đã được đưa ra từ cách đây nhiều năm, nhưng đến nay mô hình này vẫn chưa thể phát triển.