Chuyển tới nội dung

Tăng lãi suất huy động, ngân hàng mong được nới “room” tín dụng

Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 5/2022 có thể tiệm cận gần 8% so với cuối năm 2021. Các ngân hàng đang đẩy mạnh thu hút tiền gửi và xin nới “room” tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại “Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%” mới đây cho biết: tăng trưởng tín dụng đến 27/5 có thể ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, đến thời điểm này, con số tăng trưởng tín dụng ước đạt xấp xỉ 8%/năm.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, 5 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 8,4% so với cuối năm 2021, tỷ lệ này tăng cao gần gâp đôi so với 5 tháng đầu năm 2021 ở mức 4,76%.

Mức tăng tín dụng trên cho thấy sự phục hồi kinh tế đang rõ nét hơn bao giờ hết và dòng vốn ngân hàng đang đi đúng hướng với việc tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

262939f7317b0662a637670ceabdbc89

Tăng lãi suất huy động, ngân hàng mong được nới “room” tín dụng

Tín dụng tăng cao, cộng với kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của ngành ngân hàng là lực đẩy để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ dân cư thông qua việc tăng lãi suất huy động. Tính riêng từ nửa cuối tháng 5 đến nay đã có gần 10 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng dao động 0,1-0,8% một năm.

Đơn cử, VIB tăng 0,8% một năm cho tiền gửi online kỳ hạn 9, 11 tháng và kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy; các kỳ hạn khác cũng được cộng thêm lãi suất 0,3-0,7% một năm; PGBank, ACB, BAOVIET Bank … cũng đưa lãi suất tiền gửi tăng thêm từ 0,3-0,4% một năm tuỳ theo kỳ hạn và hình thức gửi.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông báo điều chỉnh biểu tăng khoảng 0,3 – 0,7 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm thông thường với mức gửi chỉ từ vài triệu đồng trở lên ở kỳ hạn 3 tháng là 3,35%/năm; 6 tháng là 4,65%/năm; 12 tháng 5,55%/năm; 24 tháng là 5,65%/năm. Với khách hàng VIP 1, lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận là 6,2%/năm (kỳ hạn 36 tháng), tăng tăng 0,7 điểm % so với mức lãi suất trước đó là 5,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,3 – 0,5% đối với các kỳ hạn tiền gửi với biểu lãi suất huy động niêm yết ở mức: kỳ hạn 3 tháng áp dụng lãi suất 3,8%/năm (tăng 0,3%); kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm (tăng 0,5%); kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm (tăng 0,45%); kỳ hạn 24 tháng là 6,9%/năm (tăng 0,5%).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn với mức tăng từ 0,1 – 0,3%, cụ thể: kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,1% đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn này lên 6,0%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng tăng thêm 0,3% đưa lãi suất huy động lên 7,3%/năm.

Hiện tại, trên thị trường ngân hàng, trung bình mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng tại quầy và online lần lượt đạt 6,11% và 6,28%, tăng 0,04-0,05% so với hồi giữa tháng 5.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022 đã tăng đáng kể so với cuối năm trước. Cụ thể, tiền gửi của người dân trong tháng 3/2022 tăng hơn 14.000 tỷ đồng. Mức tăng này ở các tháng 1 và tháng 2 lần lượt là 103.000 tỷ đồng và 56.000 tỷ đồng. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,28% so với cuối năm 2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, việc các nhà băng đồng loạt tăng lãi suất huy động là động thái tích cực, không chỉ thể hiện niềm tin của người dân vào kênh ngân hàng mà còn cho thấy các ngân hàng đang rất tích cực thu hút vốn để thực hiện cho vay tới nền kinh tế, nhằm đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Hiện đã có một số ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn cho vay tới các đối tượng khách hàng trong chương trình hỗ trợ 2% lãi suất. Đơn cử như Agribank vừa công bố triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, Agribank triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính và các ngân hàng cho rằng, để chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đi đúng địa chỉ, thực chất, thì một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện sớm chính là nới “room” tín dụng. Với mức tăng tín dụng cao trong 5 tháng qua, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết một nửa chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay, trong khi còn 7 tháng nữa mới hết năm. Nhu cầu vốn của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sẽ khiến cầu tín dụng tăng cao trong những tháng tới. Vì thế, một số ngân hàng đã đề nghị nhà điều hành cấp thêm hạn mức tín dụng để mở rộng cho vay sản xuất kinh doanh.

Đơn cử, ACB đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng sau khi 4 tháng đầu năm ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng 8%. Trước đó, vào đầu năm nay ACB được cấp hạn mức tín dụng 10%.

Tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm đạt tới 8,8%, trong khi đầu năm ngân hàng này được cấp hạn mức tín dụng 10% nên Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đang đề xuất được nới room tín dụng để mở rộng cho vay.

Với MB, room tín dụng 15% của ngân hàng này cũng đã sử dụng gần hết khi mức tăng trưởng hết quý I đã là 14,3%. Năm nay MB cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%. Vì vậy, ngân hàng này cũng đề xuất cơ quan quản lý tăng thêm hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, VietinBank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng trong quý I bằng hạn mức được cấp đầu năm do cho vay đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa khá tốt.

Chia sẻ về mong muốn của các ngân hàng đối với hạn mức tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhà điều hành đã tính tới trường hợp nới “room” tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. ơ quan quản lý hiểu rõ việc các ngân hàng thương mại cần tăng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, thời điểm tăng, mức tăng bao nhiêu cần phải tính toán rất thận trọng, phù hợp với các cân đối vĩ mô.

Thuỳ Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved