Năm nay, các sản phẩm bánh Trung thu có nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, nhưng nhìn chung tăng giá từ 5-10% so mùa Trung thu năm trước. Đáng chú ý, những chiếc bánh ngộ nghĩnh kích thước nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/4 của chiếc bánh truyền thống được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Năm 2023, thị trường bánh Trung thu vẫn phong phú, nhiều mùi vị khác nhau cho người tiêu dùng lựa chọn. Từ các nhân truyền thống như đậu xanh, thập cẩm, sen, trứng muối… cho đến các loại mới lạ hơn như vị trà xanh, đậu đỏ, nhân trứng chảy… Năm nay những chiếc bánh trung thu mini với hình thù ngộ nghĩnh theo các bộ phim hoạt hình hoặc 12 con giáp đang được thị trường ưa chuộng.
Những loại bánh này có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/4 của chiếc bánh truyền thống. Nhân thường là nhân nhuyễn từ các vị đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, trà xanh,… Điều thích thú là với hình thù ngộ nghĩnh, nhỏ nhắn và có giá phải chăng, những chiếc bánh này rất thích hợp để làm quà cho trẻ nhỏ.
So với dòng bánh thông thường, bánh Trung thu tạo hình ngộ nghĩnh các con vật có trọng lượng khá nhỏ. Mỗi chiếc bánh chỉ nặng tầm 30 – 80gr. Người bán thường bán theo sét 3, 4, 6, 9 chiếc/hộp chứ không bán lẻ và người tiêu dùng cảm thấy rất thích thú trước mỗi chiếc bánh lại có một hình khác nhau. Giá của bánh này loại nhỏ khoảng 7.000 – 8.000 đồng/cái, to hơn dao động từ 15.000 – 50.0000 đồng/bánh tùy theo kích cỡ và mẫu mã của bánh.
Chị Nguyễn Thị Thảo – chuyên làm bánh handmade cho biết, những chiếc bánh trung thu tạo hình con vật ngoài diện mạo độc đáo, nhân cũng được làm đủ các vị như khoai môn, đậu xanh, thập cẩm, lá dứa, chocolate… Loại bánh trung thu hoạt hình chủ yếu hướng đến trẻ nhỏ. Các chị em công sở, doanh nghiệp… mua về tặng đối tác và các cháu nhỏ.
“Mấy năm nay lượng khách đặt bánh trung thu ngộ nghĩnh rất nhiều. Đến thời điểm này, gia đình tôi cũng đã nhận được vài chục đơn làm bánh trung thu tạo hình con vật. Mỗi đơn thường vài chục đến cả trăm chiếc để họ mang đi tặng các em nhỏ” – chị Thảo chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Hương ở Láng Hạ (quận Ðống Ða) cho biết: “Bình thường tôi hay làm các loại bánh bao, bánh ngọt để bán trên mạng. Ðến dịp Trung thu thì nhận làm thêm các loại bánh nướng, bánh dẻo cho khách quen đặt. Bánh tự làm, không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng ngắn”.
Chị Hoa (Phường Nguyễn Phúc, Yên Bái), một người chuyên làm bánh tại nhà cho biết: “Loại hàng này nhỏ nên ăn rất vừa miệng, trẻ nhỏ cũng chỉ ăn một loáng là hết. Nên tôi hay ai khác có làm cũng không đầu tư quá nhiều vào việc bảo quản, mà bánh mới không nên để quá lâu, ăn sẽ không ngon.”
Còn theo chị Hà ở La Khê (Hà Đông, Hà Nội), từ đầu tháng đến giờ, chị cũng đã bán đến cả 1000 chú lợn nặn tay, chưa kể đơn đặt hàng từ nay đến đúng Tết Trung thu. Những chiếc bánh trung thu ngộ nghĩnh kích thước nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/4 của chiếc bánh truyền thống. Để có thể tạo ra những chiếc bánh trung thu khiến trẻ em thích mê thế này, người thợ bánh phải thực hiện thủ công hoàn toàn. Bánh được làm handmade nên các tiểu thương khuyến cáo người tiêu dùng cần chú ý đến thời hạn sử dụng. Thời hạn sử dụng của bánh khá ngắn, chỉ khoảng 5 – 10 ngày.
Theo khảo sát, các sản phẩm bánh Trung thu năm nay có nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, nhưng nhìn chung tăng từ 5-10% so mùa Trung thu năm trước. Các loại bánh truyền thống của nhãn hiệu Kinh Ðô như bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… có giá niêm yết từ 55 nghìn đồng đến 62 nghìn đồng/chiếc, trọng lượng là 150 g và 180 g. Ðối với dòng sản phẩm biếu tặng, giá thấp nhất 640 nghìn đồng/hộp, cao cấp nhất là hộp bánh Trung thu Trăng vàng Black & Gold Kim Cương hộp sơn mài giá bán lên đến 5 triệu đồng/hộp. Siêu thị AEON cho ra mắt dòng bánh Trung thu AEON Handmade với giá 70 nghìn đồng/bánh nướng các vị và 65 nghìn đồng/bánh dẻo. Thương hiệu Hải Hà Kotobuki đưa ra mức giá từ 490 nghìn đồng đến 999 nghìn đồng/hộp bánh tùy loại. Theo các nhà sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, cho nên giá bán thành phẩm cũng tăng theo. Do giá tăng cộng với người dân có tâm lý cắt giảm chi tiêu, cho nên sức tiêu thụ các sản phẩm bánh Trung thu trong thời gian này chưa cao.
Bên cạnh kênh phân phối trực tiếp thì năm nay, các loại bánh Trung thu còn cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Grab… cũng như các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… Ngoài các thương hiệu có tiếng, truyền thống thì cũng có nhiều sản phẩm bánh Trung thu nhập khẩu và do các cá nhân tự làm. Nhiều chủ tài khoản kinh doanh trên mạng đã đăng bán, nhận đặt làm các loại bánh Trung thu và thu hút lượng khách hàng khá lớn do sở thích sử dụng bán tươi, không chất bảo quản…
Liên quan đến thị trường bánh trung thu, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bánh Trung thu là sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm, bao gồm chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc… Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại. Quá trình chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến đã khiến cho sản phẩm không an toàn cho người sử dụng.
Việc nhận biết bằng mắt thường bánh trung thu không an toàn là rất khó khăn. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng không thể nhìn vào chiếc bánh để nhận biết được độ an toàn mà họ chỉ có thể đặt niềm tin vào nơi sản xuất và bánh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Với các hãng bánh có thương hiệu thì đã có sự kiểm soát của nhà nước, cơ quan chức năng. Từ nhiều năm nay, vào dịp Tết Trung thu thường rộ lên trào lưu làm bánh handmade, nhà nhà làm bánh thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Người dân chỉ có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách chọn mua những loại bánh có thương hiệu, đáng tin cậy và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tiêu chí như tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thời hạn sử dụng. Sản phẩm phải đảm bảo không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Mua tại các cơ sở bán bánh phải có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Nên cầm chiếc bánh quan sát sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Cục An toàn Thực phẩm cũng khuyến cáo các đối tượng nên ăn bánh theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Tuấn Kiệt