Chuyển tới nội dung

Bánh bỏng San Thàng thoảng hương núi rừng Tây Bắc

Về Lai Châu, không chỉ thưởng lãm vẻ đẹp hoang sơ núi rừng trùng điệp. Nơi đây còn gìn giữ những phong tục, tập quán, những món ăn đặc sản mang đậm giá trị truyền thống của đồng bào 20 dân tộc anh em cùng sinh sống.


Để bánh thơm ngon thì khâu rang gạo rất quan trọng. Ảnh: BC

Dẻo thơm lúa nếp

Bà con dân tộc Giáy ở bản San Thàng 1 (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) luôn tự hào với nghề làm bánh bỏng. Người dân kể rằng nghề bánh đã tồn tại từ rất lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Bánh bỏng San Thàng có vị ngọt dịu, vừa, giòn tan và dễ ăn. Điều đặc biệt là người dân tộc Giáy ở đây làm bánh bỏng hoàn toàn theo phương pháp thủ công không sử dụng bất kỳ một thiết bị máy móc nào. Do vậy, mỗi công đoạn từ khâu sàng đãi, rang gạo, làm đường dẻo… đến đóng khuôn, gói bánh đều được thực hiện rất cẩn thận và tỉ mỉ.

Gạo nếp phải là loại ngon, thường là nếp cái hoa vàng hạt tròn to sẽ được ngâm qua đêm cho nở đều. Sau khi ngâm xong, nếp được vớt ra để ráo nước rồi trộn đều với mỡ nước và đưa lên đồ. Khi hạt nếp chín mềm sẽ đem phơi, giã mỏng như cốm rồi tiếp tục phơi cho đến khi khô giòn.

Sau khi phơi gạo được đem rang lên cho đến khi nổ phồng, có màu vàng nhạt. Ngoài ra, đường trắng sẽ được đun cho tan chảy, cùng với kẹo kéo và một phần nước để tạo kết dính. Khi đường nóng chảy đạt đến độ dẻo nhất định thì đổ gạo đã rang vào đường trộn đều rồi đưa lên khuôn ép, cắt thành những chiếc bánh bỏng thành phẩm…


Nguyên liệu làm bánh là những nông sản quen thuộc của địa phương. Ảnh: BC

Trước đây, bánh bỏng là một trong những món bánh không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Giáy, do đó nó cũng chỉ được làm vào những dịp lễ Tết quan trọng. Ngày nay, nhu cầu thị trường lên cao, người dân mua ăn rồi truyền nhau, bánh bỏng trở thành một mặt hàng đem lại nguồn thu kinh tế đáng kể cho đồng bào dân tộc Giáy nơi đây.

Ngoài bánh bỏng, người dân tộc Giáy ở San Thàng còn làm hàng chục loại bánh khác như bánh phở, bánh tẻ, bánh nếp, bánh bò, bánh bột, bánh rán… Bánh được bà con bán nhiều tại ngày chợ phiên của xã vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần.

Thơm lừng góc chợ phiên

Cứ mỗi phiên chợ San Thàng, gian hàng ẩm thực của dân tộc Giáy luôn thu hút du khách. Không khí mua bán tấp nập, người bán vui vẻ giới thiệu, còn người mua thỏa sức lựa chọn những chiếc bánh cổ truyền do chính bà con làm ra như: bánh bò, bánh giày, bánh đúc, bánh bỏng, bánh khảo, bánh rán, bánh mật mía… Mỗi loại bánh mang một màu sắc, một dáng hình, một hương vị khác nhau. Nếu như bánh bỏng có vị ngọt sắc của gạo quyện với đường thì bánh bò lại ngọt thanh, mềm xốp, bánh rán dẻo ngậy…

Điều làm nên sự cuốn hút của các loại bánh chính là hương vị nguyên sơ của gạo nếp, mía đường và bà con không dùng bất cứ chất bảo quản, phụ gia, đường hóa học, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá của mỗi chiếc bánh dao động từ 2 đến 5 nghìn đồng/chiếc hoặc từ 10 đến 25 nghìn đồng/gói. Bởi thế, người dân khi đến mỗi phiên chợ San Thàng, hầu như ai cũng đều mua bánh về làm quà cho trẻ và cho bạn bè. Bánh có uy tín trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Cũng chính bởi lẽ đó, nghề làm bánh ở San Thàng có đất phát triển, được tỉnh công nhận làng nghề và có chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển.

Từ năm 2013, tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu đã công nhận làng nghề và thành lập Tổ liên kết sản xuất bánh truyền thống dân tộc Giáy để bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống ở nơi đây.
Việc công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống góp phần vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các nghề trên địa bàn, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đưa nghề truyền thống ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, người làm nghề cũng được hưởng các chính sách ưu đãi về khuyến công, phát triển nghề và làng nghề theo quy định của tỉnh, Nhà nước.

Bà Vùi Thị Liếng – người có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề làm bánh ở bản San Thàng 1 chia sẻ: “Ngày trước tôi thường cùng mẹ làm bánh vào các dịp lễ, Tết. Song sau này, vì đam mê làm bánh, nhà lại gần chợ San Thàng, nên năm 22 tuổi tôi bắt đầu sản xuất các loại bánh cổ truyền và đem ra chợ bán. Đến nay, cứ mỗi phiên chợ không kể ngày mùa, tôi đều tranh thủ thời gian làm các mẻ bánh thơm ngon bán cho người dân và du khách”.


Bánh được đổ ra khuôn ép. Ảnh: BC

Hiện nay, có khoảng 45/67 hộ thuộc bản San Thàng 1 tham gia sản xuất các loại bánh (chiếm 67% số hộ trong bản). Từ nghề làm bánh, hàng năm đã giải quyết việc làm cho 89 lao động, doanh thu bình quân gần 2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người/năm là 27,5 triệu đồng.

Một trong những mối quan tâm của người làm bánh chính là thị trường tiêu thụ. Dù là món ăn đặc sản nhưng bánh bỏng San Thàng mới chỉ được bày bán chủ yếu tại các phiên chợ trong bản. Để phát triển nghề bánh, nâng cao thu nhập cho người dân, một trong những giải pháp then chốt là xây dựng và phát triển làng nghề vững mạnh, đi đôi với giữ gìn môi trường làng nghề xanh – sạch – đẹp kết hợp với phát triển du lịch.

Theo ông Hoàng Văn Sinh – Chủ tịch UBND xã San Thàng, để phát triển du lịch làng nghề, bà con được hỗ trợ tiếp thị bằng việc tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh. Bà con được bày bán và quảng bá sản phẩm miễn phí, không phải mua địa điểm bán hàng. Cùng với đó, vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm, xã tổ chức lễ hội Tú Tỉ ở bản San Thàng 1 để bà con có thể mở các gian hàng bày bán các sản phẩm truyền thống. Nhờ đó, hiện nay, sản phẩm bánh của bà con địa phương đã được nhiều người biết đến và mang lại thu nhập đáng kể.

Có thể nói, với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của tỉnh, thành phố, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trước đây, bánh bỏng là một trong những món bánh không thể thiếu trong ngày tết của đồng bào Giáy, do đó nó cũng chỉ được làm vào những dịp lễ tết quan trọng. Ngày nay, nhu cầu thị trường lên cao, người dân mua ăn rồi truyền nhau, bánh bỏng trở thành một mặt hàng đem lại nguồn thu kinh tế đáng kể cho đồng bào dân tộc Giáy ở San Thàng.

Bình Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved