5ff53a9cb72c4-image

Chất bán dẫn, khởi nguồn chạy đua Trung – Mỹ

Màn cạnh tranh công nghệ đỉnh cao Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ là chủ đề chính trong quan hệ giữa hai siêu cường trong năm 2023. Bắc Kinh đang tận dụng tất cả những gì đang có trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, mục tiêu của họ là tự chủ.

Còn Mỹ đã “vũ khí hóa” những ưu thế vốn có. Tháng 10/2022 chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đơn phương áp đặt nhằm hủy hoại khả năng sản xuất chip và siêu máy tính thế hệ mới của Trung Quốc.

Các đòn đánh thương mại được giới chuyên gia có tay nghề cao tại Mỹ thiết kế để có thể kiểm soát tối đa kênh phân phối linh kiện, thiết bị, nguyên liệu dùng cho sản xuất chip. Nó chặt chẽ đến mức, chẳng hạn như ngăn chặn các công ty bên ngoài lãnh thổ Mỹ bán chất bán dẫn cho Trung Quốc nếu chất bán dẫn đó được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ và đối tác.

Chiến lược trừng phạt của Washington dựa vào khả năng làm chủ các khâu cơ bản nhất trong tiến trình sản xuất chip từ chất bán dẫn và vai trò trung tâm của đồng đô la Mỹ trong hạ tầng tài chính toàn cầu.

Ví dụ, Washington sử dụng đồng USD để ép các quốc gia trung lập không được bán khoáng sản quý hiếm cho Trung Quốc; không trở thành bức màn che đậy cho các công ty Trung Quốc làm bình phong tiếp cận công nghệ lõi của Mỹ từ một nước thứ 3 nào đó.

Tất cả các nền kinh tế đều cầu gom USD để giao dịch quốc tế, do vậy tất cả cùng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, công cụ phòng vệ thương mại sẽ được sử dụng nếu Cơ quan thương mại Mỹ tình nghi đối tác “thao túng tiền tệ”. Dĩ nhiên, mục đích sau cùng là loại trừ “yếu tố Trung Quốc”.

Và khả năng tìm kiếm đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế cũng không thoát khỏi con mắt của người Mỹ, do các hệ thống giao dịch chủ yếu hiện nay do Mỹ và đồng minh điều hành. Họ có thể loại trừ bất cứ ai nếu muốn.

us-china-technology-chips-1660-3401-1693-1660126268

Trung Quốc có nguyên liệu, Mỹ có công nghệ

Trung Quốc không hề thiếu nguồn lực tài chính để trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Song, khi sản xuất chip không còn đơn thuần là hoạt động kinh tế công nghệ thì chúng được “cài cắm” rất nhiều điều kiện phi kinh tế, phi thương mại.

Đó là tổ hợp hành động dựa vào mạng lưới đồng minh. Ví dụ, Mỹ thống trị toàn cầu trong việc tạo ra phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử không thể thiếu để thiết kế mạch tiên tiến nhất. Nhưng Mỹ cần có sự hợp tác của Nhật Bản, Hà Lan- hai quốc gia duy nhất có thể cung cấp thiết bị cần thiết để sản xuất chất bán dẫn.

Trong khi đó, Đài Loan và Hàn Quốc sở hữu công nghệ chế tạo chip tiên tiến nhất hiện nay. So với khả năng tập hợp đồng minh mạnh, giàu nền tảng khoa học công nghệ, Trung Quốc chưa thể sánh bằng Mỹ. Nhưng Mỹ chỉ sản xuất khoảng 11% sản lượng chip toàn cầu.

Trung Quốc có thế mạnh về nguồn cung nguyên liệu thô cần thiết để chế tạo vi mạch, cũng như các khâu kiểm định, đóng gói, vận hành chuỗi cung ứng,… giai đoạn cuối của quy trình sản xuất chip.

Cuộc đua giành ngôi thống trị ngành chip chỉ giành cho một số cường quốc do chi phí đắt đỏ, công nghệ phức tạp. Để xây dựng một nhà máy sản xuất tấm bán dẫn cần từ 10 – 20 tỷ USD.

Sản xuất chip đòi hỏi hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển cực mạnh, tập hợp tinh hoa trí tuệ của nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản. Ví dụ, nhà sản xuất chip ASML của Hà Lan sử dụng một máy in khắc bằng ánh sáng cực tím đã mất ba thập kỷ để phát triển.

Trương Khắc Trà