Câu chuyện nông sản phải giải cứu “liên miên” là bài học sâu sắc cho việc tăng cung hàng hóa phải đi đôi với tạo sức mua.
Tại cuộc họp thường kì của Chính phủ hồi đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo “Phải lấy cung làm chủ đạo, đẩy mạnh cầu của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người đứng đầu Chính phủ lại đề ra định hướng quan trọng trong lúc này? Trước hết, trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ trong cả nước phải thu hẹp quy mô, tạm ngưng hoạt động hoặc ngừng hẳn.
Kích cầu và giải cứu
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 4/2019, chúng ta đã có 5 triệu người lao động phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Công ăn việc làm, thu nhập của phần lớn dân cư bị suy giảm mạnh đã dẫn tới sức mua toàn xã hội tại thị trường nội địa bị giảm sút nhanh chóng.
Còn theo Tổng Cục thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 tháng của năm 2020 đã giảm 3,9%, nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm tới 8,6% (so với 5 tháng cùng kỳ năm 2019) tăng trưởng đạt 8,5%.
Đây là một sự sụt giảm đáng lo ngại. Vì tiêu dùng xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Sản xuất ra nhiều sản phẩm nhưng sức tiêu thụ yếu quả là một bài toán nan giải.
Câu chuyện dư thừa cục bộ của một số loại hàng hóa nông sản trong nhiều năm qua phải giải cứu liên miên, như 5 tháng đầu năm 2020 tiếp tục giải cứu một loạt các nông sản và thực phẩm bí đao, ổi, thủy hải sản chính là một bài học sâu sắc cho việc tăng cung hàng hóa phải đi đôi với tạo sức mua, kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân.
Kích cầu nội địa còn có ý nghĩa rộng hơn, đó là phát huy những tiềm năng vốn có của thị trường nội địa Việt Nam. Kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện mới chiếm 25% thị phần bán lẻ. Thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa song doanh số một số năm gần đây bị suy giảm từ 20-30%. Hạ tầng kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, trong khi phải cạnh tranh quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Phát triển thị trường nội địa ở một đất nước như Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, nguồn nước để chăn nuôi trồng trọt, có vùng biển rộng để đánh bắt và khai thác hải sản. Đó là một thuận lợi bởi nguồn cung dồi dào phong phú, cung cấp tại chỗ cho thị trường bán lẻ. Chủ trương “Lấy cung là chủ đạo” của Chính phủ là rất đúng đắn, và sẽ hiệu quả hơn khi cung gắn kết cầu, và đẩy sức mua xã hội tăng lên.
Tăng cung đi cùng chất lượng
Vậy muốn phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng cá nhân, chúng ta phải làm gì? Đầu tiên phải nói đến yếu tố nhu cầu có khả năng thanh toán trong các tầng lớp dân cư. Bài toán đặt ra là phải phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội.
Thời gian sau dịch, Chính phủ đã có những cố gắng nâng cao và khôi phục sức mua xã hội bằng các chính sách, trợ cấp phụ cấp cho người dân. Đi đôi với việc đẩy mạnh sức mua xã hội thì phải phát triển sản xuất hàng hóa, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, tăng cung cho xã hội.
Nhưng phải tăng cung có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa phải đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có những tác động tích cực để nâng cao sức cầu của xã hội.
Sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển ngày càng bền vững.
Đó là quy luật khách quan của việc sản xuất kinh doanh mang tính bền vững, kinh doanh có đạo đức và biết chia sẻ, khi mà nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Hàng hóa sản xuất ra phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa.
Những hành vi trục lợi nhằm thu lợi nhuận ở khâu trung gian và khâu bán lẻ hưởng lợi một cách quá mức là không thể chấp nhận được. Hiện tượng yêu cầu chiết khấu ở khâu bán lẻ của một số nhà bán lẻ có thế mạnh lên tới 25 – 30%, đã cho thấy mức chiết khấu này có thể lớn hơn cả lợi nhuận của người sản xuất. Đơn cử, một công ty chè đã phải “chi ra” 500.000 USD thì mới được đứng trên kệ siêu thị. Cá sạch Đại Áng ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) sau khi đã được một số siêu thị tại địa phương kiểm tra đầy đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, để muốn lên được “kệ” sau khi đã ký hợp đồng thì doanh nghiệp lại bị đặt thêm điều kiện, như giá bán cá sạch chỉ được ký gửi tại siêu thị bằng giá cá không sạch, chiết khấu gửi cá là 30%. Sau khi hàng bán hết hàng mới được thanh toán tiền…
Những ví dụ điển hình xảy ra trên thị trường nêu trên không phải là cá biệt. Chính điều này đã làm thui chột ý chí người sản xuất, kể cả hàng hóa đạt tiêu chuẩn VSATTP. Cách áp đặt vô lý trên chỉ làm lợi cho một nhóm lợi ích và gián tiếp đẩy giá hàng hóa lên cao, làm thiệt hại cho người tiêu dùng xã hội. Việc này gây ra nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Cục Thuế và một số chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng nhưng chưa được khắc phục, thậm chí còn có ý kiến yêu cầu luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói đến giá bán 90.000đ/kg lợn hơi của một số tập đoàn chăn nuôi đã phải định hướng: “Kinh doanh thì cần có lợi nhuận, song lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối phải được phân chia một cách hợp lý”. Điều này cho thấy người đứng đầu Chính Phủ muốn hướng tới một nền kinh tế chia sẻ đầy nhân văn ở thị trường Việt Nam.
Cơ chế mở để thúc đẩy sản xuất
Muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics.
Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chấp hành nghĩa vụ đầy đủ với ngân sách nhà nước và phục vụ tiêu dùng xã hội một cách hiệu quả.
Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, khuyến khích các đơn vị làm ăn nghiêm túc đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các bộ ngành, các địa phương thì các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt các công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.
Người đứng đầu Chính phủ từng thẳng thắn: “Phát triển kinh tế mà không quan tâm tới môi trường là một sai lầm”. Do đó, sản xuất kinh doanh phải quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường bao gồm đất, nước, không khí… để phát triển nền kinh tế xanh, giảm bớt những tổn thất cho việc hủy hoại môi trường gây ra”.
Một vấn đề quan trọng phải đề cập đến đó là chúng ta dành nhiều thời gian cho sản xuất kinh doanh. Nhưng thực tế, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn chiếm một tỷ lệ rất thấp, cần phải dành những nguồn kinh phí nhất định cho công tác quan trọng này.
Khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần sử dụng các thành tựu khoa học trong nước và thế giới để tối ưu hóa tổ chức nguồn hàng, dự trữ háng hóa, quản lý và kinh doanh sản xuất, chăm sóc khách hàng…
Điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp ngày càng nâng cao năng suất lao động và đạt hiệu quả một cách bền vững. Có như vậy, con đường phát triển của sản xuất và kinh doanh ở thị trường nội địa mới có thể đi nhanh và vững chắc hơn, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Vũ Vinh Phú