Từng là hai tâm dịch nóng nhất khu vực châu Á, nhưng Hàn Quốc và Trung Quốc đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Dù vẫn còn nhiều điều chưa thể chắc chắn lúc này, song với những hiệu quả trông thấy từ thực tiễn, ngày càng nhiều chuyên gia y tế cộng đồng quốc tế đánh giá cao phương pháp xử lý dịch COVID-19 của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đây có thể xem là mô hình để nhiều nước tại Châu Âu và Mỹ có thể tham khảo để tìm ra phương thức phù hợp với thực tiễn của từng quốc gia.
Tính đến sáng 14/3, số tử vong của Hàn Quốc là 72, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (3.189 ca) và Ý (1.266 ca). Tín hiệu tích cực từ Hàn Quốc cho thấy, thay vì phong tỏa diện rộng, cách xử lý dịch COVID-19 của Hàn Quốc chú trọng sự minh bạch thông tin và hướng tới sự hợp tác của cộng đồng.
TS. Justin Fendos, Chuyên gia về sinh học tế bào từng tốt nghiệp Đại học Yale đánh giá, để được tin tưởng và sự đồng lòng từ cộng đồng, các biện pháp cởi mở, trung thực và minh bạch giúp chính quyền Hàn Quốc thể hiện được khả năng của mình. Trong đó, thông tin minh bạch luôn là bước đầu tiên thiết yếu trong mọi nỗ lực ngăn chặn.
Tại Hàn Quốc, chiến dịch này tập trung vào yếu tố rủi ro và biện pháp hữu ích với mục tiêu cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Họ thực hiện việc xét nghiệm số lượng lớn với những người có triệu chứng nhẹ, thậm chí là không có triệu chứng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Chính vì vậy, chính quyền Hàn Quốc chỉ tập trung áp dụng biện pháp cách ly y tế bắt buộc với những người đã mắc bệnh và những người có tiếp xúc gần với họ. Đồng thời, nhà chức trách khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, tránh các sự kiện đông người, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân cần thiết.
Nước này cũng cho xét nghiệm hàng trăm nghìn người ở mọi nơi, từ phòng khám cho đến trạm giao thông. Hàn Quốc miễn phí hoàn toàn đối với xét nghiệm dành cho những người được bác sĩ yêu cầu hoặc có triệu chứng sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người trở về từ vùng dịch. Với những người đơn thuần chỉ muốn xét nghiệm vì lo ngại nguy cơ mắc bệnh, phí xét nghiệm cũng không quá đắt.
Biện pháp này dường như có tác dụng khi tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc thấp hơn nhiều ổ dịch như Trung Quốc, Ý… Tại tâm dịch Daegu, sự bùng phát dịch cũng đang được kiềm chế. Trong ba ngày liên tiếp vừa qua, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc có xu hướng giảm.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc và một số quốc gia khác tại châu Á, biện pháp nhanh chóng ra lệnh giới hạn tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt vẫn được đánh giá là có hiệu quả tích cực khi tâm dịch lan rất rộng.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc đều sở hữu một quy trình thao tác chuẩn (SOP). Về cơ bản, hệ thống SOP tại Hàn Quốc yêu cầu 5 bước bao gồm một chiến dịch thông tin tích cực và minh bạch, kiểm tra với số lượng lớn, cách ly những người nhiễm bệnh, điều trị tích cực những người bị nhiễm bệnh và khử trùng môi trường bị ô nhiễm.
Sự bùng phát dịch ở Iran và nhiều quốc gia Châu Âu đã cho thấy, có rất nhiều nước không xây dựng được hệ thống SOP khiến cho việc phản ứng có tổ chức trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngay cả Mỹ và Nhật Bản cũng đang thể hiện sự lúng túng trong việc kiểm soát dịch, khiến các chuyên gia lo lắng rằng các quốc gia này có thể thiếu các kế hoạch dẫn đến việc chậm trễ trong hành động.
Ông Bruce Aylward, chuyên gia dịch tễ học người Canada dẫn đầu phái đoàn của WHO, đánh giá bài học lớn nhất từ Trung Quốc là tốc độ xử lý dịch bệnh. Việc phát hiện, cách ly và nắm bắt lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân nhanh bao nhiêu, việc phòng chống càng thành công bấy nhiêu. Trung Quốc và Hàn Quốc đã chứng minh rằng bất chấp tình hình lây nhiễm nghiêm trọng, nếu bình tĩnh xắn tay áo tìm kiếm và theo dõi có hệ thống, chắc chắn có thể thay đổi cục diện.
Cho đến nay, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore… thuộc trong số ít các quốc gia đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và nhất quán. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi từ chính quyền đến mỗi người dân đều có ý thức cao trong việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm theo các kinh nghiệm đối phó với dịch SARS và MERS.