thong-diep

Chiến lược marketing của Baemin cũng sử dụng ngôn ngữ rất bình dị gần gũi với người dùng.

Với chiến dịch marketing ngoài trời, Baemin đã gửi đến các đối thủ một thông điệp rõ ràng, đó là chiến lược “đánh chiếm theo quận”.

Cảm xúc nhanh hơn tốc độ

Là người đến muộn, nên Baemin chủ yếu tập trung vào thị trường ở quy mô nhỏ để đảm bảo thời gian giao hàng, mật độ tài xế trước khi mở rộng. Trong khi các đối thủ gia tăng cải thiện tốc độ giao hàng, khuyến mại hay miễn phí giao hàng thì Baemin lại tập trung khai thác cảm xúc của khách hàng khi thưởng thức món ngon.

Chiến lược này của Beamin ít nhiều cũng đã tạo ra sự “khó chịu” đối với các đối thủ lớn. Đó là tấn công từng vùng, tập trung thu hút cả người mua lẫn người bán ở địa phương đó. Đơn cử, từ tháng 5/2020, Baemin giới thiệu bộ sưu tập “Quán ngon quận mình”. Bộ sưu tập này sắp xếp và nhóm các cửa hàng theo thứ tự hợp lý, như món ngon Bình Thạnh, món ngon Quận 1, món ngon quận Hoàn Kiếm… Qua đó, người dùng dễ dàng lựa chọn cửa hàng gần với vị trí địa lý của mình.

Đi cùng với thông điệp truyền thông “theo quận”, Beamin cũng áp dụng triệt để với biển quảng cáo ngoài trời. Ví dụ, biển quảng cáo tại Gò Vấp có ghi: “Gò Vấp, Anh thuộc lòng, Em bằng lòng, Anh giao”. Hay như biển quảng cáo đặt ở Tân Bình lại ghi: “Tân Bình, Nhà anh đó, Đặt là có, Anh giao”. Những “câu thơ” ngắn gọn, mang chút vấn điệu nhưng lại truyền tải thông điệp rõ ràng, cuốn hút khách hàng.

Không chỉ tập trung phát triển từng khu vực địa lý, Baemin còn tập trung phát triển từng nhóm đối tượng khách hàng bằng việc phân chia và nhóm các món ăn phù hợp với thói quen ăn uống. Như “tuyển tập món Healthy” dành cho người ăn chay, tập gym… hay bộ sưu tập “Ngọt” chuyên về các món bánh ngọt, kem…

Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus cho thấy, với chiến lược khôn ngoan này, Baemin đã dẫn đầu về mức độ phổ biến, hài lòng thương hiệu… “Cách tiếp cận này giúp chúng tôi được yêu mến không chỉ ở TP.HCM. Trước khi tiến ra Hà Nội, người tiêu dùng đã rất mong chờ. Nhờ vậy, tăng trưởng của chúng tôi tại Hà Nội khá thuận lợi, nhanh hơn so với khi ra mắt ở TP.HCM”, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc vận hành của Baemin chia sẻ và cho biết thêm, định hướng marketing trong thời gian tới là định kỳ ra mắt những sản phẩm tinh thần tương tự. Baemin sẽ khai thác các chủ đề có thể gắn kết với khách hàng và cố gắng chạm đến trái tim họ.

“Lấy lòng” người Việt bằng sự chỉn chu

Tại thị trường Việt Nam vốn đã tấp nập đội ngũ giao hàng đến từ những hãng lớn. Vậy lý do nào để đội quân “ngoại” Xanh-Trắng Baemin có thể “bắt được lòng” khách hàng?

Giá là một yếu tố quan trọng không chỉ với ngành giao đồ ăn nói riêng mà còn ảnh hưởng tới hành vi mua sắm của người Việt nói chung. Tuy vậy, Baemin không ồ ạt tung ra những đợt giảm giá cực sốc như những người “anh em” khác.

Baemin mong muốn tạo được chất lượng dịch vụ tốt với hình ảnh gần gũi và trẻ trung. Hình ảnh thương hiệu của Baemin luôn được xuất hiện rất chỉn chu và bắt mắt.

Chiến lược marketing của Baemin cũng sử dụng ngôn ngữ rất bình dị. Sử dụng từ khóa “nóng giòn đây”, “nước sôi đây”, “trùm cuối khao”… trong các ấn phẩm truyền thông để “lấy lòng” người dùng.

Thực tế, Baemin có được nhiều lợi thế từ sự “thịnh hành” của làn sóng xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc đến các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Chiến lược marketing của Baemin tập trung thu hút nhóm đối tượng mục tiêu. Trong đó có việc Baemin “bắt tay” cùng với nghệ sĩ Trấn Thành “phủ áo xanh” khắp Sài Gòn với chiến dịch “Quán ngon quận mình”.

Ngoài ra, công ty này tập trung truyền thông về điểm khác biệt của mình so với các “ông lớn” khác. Cụ thể, bằng cách tập trung vào các quán ăn ngon, chất lượng tốt gần khu vực của khách hàng. Điều này giúp cho những đơn đặt hàng qua App không chỉ vừa nhanh mà lại vừa ngon.

Như vậy có thể thấy, Baemin đã “ra mắt” thị trường Việt một cách đầy “chiến lược” và “kiên trì” chiều lòng nhóm khách hàng mục tiêu. Chiến lược của Beamin là cũng là một một bài học quý giá cho những ai đang nuôi giấc mơ khởi nghiệp.

Nguyễn Việt