Bắc Giang dự kiến xuất 1.600 tấn vải sang Mỹ, EU. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022.
Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ năm 2022”. Sự kiện diễn ra với nhiều đầu cầu tại Việt Nam và Mỹ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 trên 160.000 tấn, trong đó vải thiều xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS, diện tích 218ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.
“Thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát.
Ông Tuấn nhấn mạnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả thị trường trong và ngoài nước. Riêng đối với thị trường Mỹ, tỉnh xác định là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn. Tuy nhiên đây lại là thị trường “khó tính”, đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
“Hiện nay, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang gặp phải một số khó khăn. Do đó, tại hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho công tác tiêu thụ vải thiều của tỉnh” – ông Tuấn nói.
Theo bà Jolie Nguyễn, đại diện Công ty dịch vụ Lương Nguyễn (ở Houston, Texas), cho biết muốn vào thị trường Mỹ, sản phẩm cần có mã định danh FDA, tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu tuân thủ yêu cầu kiểm định, chứng nhận bên thứ 3 (SGS…).
Vì vậy, doanh nghiệp phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường.
Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam nhận định, vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường thực sự rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang Mỹ còn có một số rào cản, khó khăn.
Ví dụ như phải vận chuyển từ 2 đến 3 ngày vào miền Nam mới có cơ sở đủ điều kiện chiếu xạ rồi sau đó mới đóng gói và xuất khẩu sang thị trường này. Điều này làm chi phí giá thành cao, đồng thời cũng khiến thời gian bảo quản phải kéo dài.
Liên quan đến xuất khẩu vải thiều, ông Hà Kim Ngọc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ gợi ý, tháng 5 tới có sự kiện quan trọng trong mối quan hệ của ASEAN với Mỹ. Do đó, các cơ quan thương vụ, doanh nghiệp tại Mỹ nên phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vải thiều tại Mỹ nhân sự kiện này. Qua đó tạo được dấu ấn, sự lan tỏa về hình ảnh, hương vị cũng như thương hiệu vải thiều Bắc Giang đến người dân Mỹ và cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Minh Đức