Nhân dịp Ngày Bắc Âu (23/3), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy) vừa tổ chức Tọa đàm thường niên lần thứ 8, với chủ đề “Lãnh đạo và quản trị công hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Kinh nghiệm Bắc Âu và Việt Nam”.
Với mục đích là góp phần chia sẻ kinh nghiệm phát triển, thực tiễn về hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng bứt phá về kinh tế và phát triển nhanh, bền vững xã hội.
Việt Nam đang ở một giai đoạn phát triển quan trọng, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tô Lâm, đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về cải cách hành chính toàn diện, loại bỏ sự chồng chéo trong chức năng của các cơ quan, nâng cao năng lực lãnh đạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công. Việc đổi mới sẽ giúp nền hành chính công Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu và kỳ vọng của người dân, qua đó củng cố niềm tin và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng để phát triển bứt phá đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nhấn mạnh ý nghĩa của sự hợp tác này, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS, TS Dương Trung Ý khẳng định: “Kinh nghiệm lãnh đạo và quản trị quốc gia chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và quản trị hiệu quả nhằm phát triển bền vững xã hội của mô hình Bắc Âu là rất hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Các quốc gia Bắc Âu từ lâu đã được công nhận trên toàn cầu với hệ thống quản trị hiệu quả và có tính thích ứng cao, mang lại những bài học giá trị về đổi mới, minh bạch và xây dựng niềm tin công chúng.
Thụy Điển, với hệ thống quản trị phi tập trung, là hình mẫu về tính toàn diện và đổi mới, đặc biệt là trong chuyển đổi số và hợp tác liên ngành. Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi nhấn mạnh: “Quản trị hiệu quả nhất khi mang tính bao trùm, đổi mới và lấy người dân làm trung tâm. Mô hình phi tập trung của chúng tôi, kết hợp với cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi số, bình đẳng giới và cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đã chứng minh rằng sự lãnh đạo dựa trên hợp tác và khả năng thích ứng có thể tạo ra những thay đổi sâu rộng. Việc chia sẻ những kinh nghiệm này sẽ giúp tất cả chúng ta cùng tiến xa hơn trong việc nâng cao chất lượng hành chính công trên phạm vi toàn cầu“.
Trong nhiều năm liền, Đan Mạch giữ vị trí hàng đầu thế giới về Chính phủ điện tử, thành công của Đan Mạch cho thấy chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cộng đồng dân cư, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, mà còn tăng cường lòng tin vào thể chế và thúc đẩy sự tham gia của công dân. Các công cụ số cũng giúp chia sẻ dữ liệu tốt hơn, hỗ trợ ra quyết định hiệu quả, giúp chính phủ giải quyết hiệu quả những thách thức xã hội và duy trì phát triển bền vững.
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cũng chia sẻ: “Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, quản trị hiệu quả phải dựa trên khả năng thích ứng, đổi mới và xây dựng niềm tin. Truyền thống hợp tác và chia sẻ tri thức của Bắc Âu là minh chứng rõ ràng rằng những giá trị này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi các chính phủ học hỏi lẫn nhau“.
Phần Lan là quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, qua đó xây dựng một hệ thống quản trị bền vững, lấy người dân làm trung tâm. Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto khẳng định: “Một trong những nền tảng quan trọng là sự tin tưởng sâu sắc mà công dân đặt vào các cơ quan của chính phủ Phần Lan. Qua nhiều thế hệ, chúng tôi đã kiến tạo môi trường mà ở đó công dân tin tưởng chính phủ sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất cho người dân—minh bạch, đạo đức và có trách nhiệm. Sự tin tưởng này không hiển nhiên mà có; nó được bồi đắp thông qua sự lãnh đạo nhất quán, có trách nhiệm và niềm tin rằng mọi quyết định đều được đưa ra với sự liêm chính và tính bao trùm. Nền tảng về sự tin tưởng này cũng tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi cảm thấy an tâm, lấy đó làm cảm hứng đổi mới sáng tạo và cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn“.
Mô hình quản trị của Na Uy tập trung vào việc cân bằng giữa chính quyền trung ương và địa phương, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân, nhằm kiến tạo các hệ thống quản trị toàn diện và thích ứng hơn. Đại sứ Na Uy Bà Hilde Solbakken nhấn mạnh: “Quản trị tốt được xây dựng trên niềm tin, sự minh bạch và sự tham gia của công dân. Chúng tôi đã chứng kiến giá trị to lớn của việc huy động sự tham gia của người dân vào việc tạo ra các cơ chế quản trị linh hoạt hơn. Thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ ý tưởng, chúng ta có thể cùng nhau hướng tới một nền hành chính công hiệu quả và có trách nhiệm hơn“.
Buổi Tọa đàm nhân dịp kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2025, với phần phát biểu của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đại sứ các nước Bắc Âu, góp phần làm sáng tỏ những mô hình quản trị độc đáo đã giúp các nước Bắc Âu trở thành hình mẫu toàn cầu. Các phiên thảo luận đã đi sâu vào các chủ đề quan trọng như chuyển đổi số trong hành chính công, phân cấp quản lý và thúc đẩy văn hóa đổi mới, cải tiến liên tục.
Nghị quyết 57-NQ/TW: Do Bộ Chính trị Việt Nam ban hành ngày 22/12/2024, đặt ra lộ trình chiến lược nhằm tận dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết này yêu cầu các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch hành động để ưu tiên chuyển đổi số, cải cách quản trị và thúc đẩy hợp tác. Mục tiêu cốt lõi là đảm bảo sự phát triển bền vững dài hạn và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Hội đồng Bắc Âu: Thành lập năm 1952, là cơ quan chính thức chịu trách nhiệm hợp tác liên nghị viện giữa các quốc gia Bắc Âu. Hội đồng bao gồm 87 đại diện đến từ Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, cũng như từ các vùng tự trị Quần đảo Faroe, Greenland và Åland. Năm 1971, Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu được thành lập để bổ sung vai trò của Hội đồng Bắc Âu, hoạt động như một diễn đàn hợp tác liên chính phủ. Hai cơ quan này phối hợp triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực như môi trường bền vững, phát triển kinh tế và chính sách xã hội. Qua nhiều năm, Hội đồng Bắc Âu đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực và giải quyết các thách thức chung, khẳng định vị thế là một thể chế thiết yếu đối với các quốc gia Bắc Âu. Trên bảng xếp hạng quốc tế: Các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch) được biết đến với hệ thống phúc lợi bền vững, quản trị bao trùm và cam kết đổi mới và phát triển bền vững mạnh mẽ. Những quốc gia này thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng toàn cầu về năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh bền vững. * Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Bền vững Toàn cầu đánh giá các quốc gia dựa trên khả năng tạo ra và duy trì sự thịnh vượng mà không làm cạn kiệt các nguồn lực trong tương lai: Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch đều nằm trong Top 10. Chỉ số này nhấn mạnh điểm mạnh của các quốc gia Bắc Âu về tài nguyên thiên nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn lực, sự gắn kết xã hội, vốn tri thức, phát triển kinh tế bền vững và hiệu suất quản trị. * Chỉ số Quản trị Tốt Chandler đo lường năng lực và hiệu quả quản trị của các chính phủ trên toàn cầu: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đều nằm trong Top 10, thể hiện hệ thống luật pháp và chính sách vững chắc, thể chế mạnh mẽ, quản lý tài chính thận trọng và ảnh hưởng quốc tế đáng kể. Những quốc gia này, xuất sắc trong việc tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng lòng tin và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững. |
T.Lan