Nguy cơ mất an ninh hàng hải qua Biển Đỏ

Thứ nhất, khu vực Trung Đông đã tiễn năm 2023 bằng sự kiện không ai mong muốn, lực lượng Houthi đã tấn công tàu container của hãng Maersk trên Biển Đỏ ngày 31/12/2023 khiến công ty này phải dừng mọi chuyến hàng qua eo biển Suez ít nhất 48h.

Tại sao sự kiện này gây lo ngại trên toàn cầu? Bởi Biển Đỏ là nơi có kênh đào Suez đảm nhiệm khoảng 15% khối lượng thương mại toàn cầu giữa châu Á và châu Âu. Trong bối cảnh rủi ro an ninh, tàu hàng phải đi vòng qua miền Nam châu Phi, hành trình tốn kém hơn, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến chuỗi cung ứng cũng như giá cả tiêu dùng trên diện rộng.

Vấn đề còn phức tạp hơn là Biển Đỏ bị lực lượng Houthi lấy làm “con tin” để trả đũa Israel và Mỹ trong cuộc chiến tranh trên Dải Gaza, vốn đầy rẫy nguy cơ leo thang, bùng phát trong năm 2024.

Theo các cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành, các cuộc oanh tạc bằng không quân và pháo binh của Israel đã giết chết hơn 21.800 người, cùng với nhiều người khác được cho là đã mất tích trong đống đổ nát và khiến gần 2,3 triệu người dân khu vực này phải rời bỏ nhà cửa.

Bế tắc về mặt giải pháp, Thủ tướng Israel tuyên bố “cuộc chiến với Hamas còn kéo dài”. Do đó, xung đột ở Biển Đỏ còn diễn biến phức tạp. Ngoài vận tải, nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt cũng bị đe dọa, việc dự báo giá dầu trở nên khó khăn.

Thứ hai, chiến sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, kinh tế Nga ngày càng bị cô lập khỏi hệ thống toàn cầu, có nghĩa là thế giới không thể tiếp cận với hàng hóa từ Nga, Ukraine, trong đó vấn đề được quan tâm nhất là lương thực.

Chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục gây áp lực với kinh tế châu Âu

Xung đột ở miền Đông Ukraine tiếp tục làm đình trệ nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, cắt nguồn cung từ các cảng của Ukraine – nơi tập trung xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, bao gồm dầu hướng dương, các các loại ngũ cốc ngô, lúa mì. Đặc biệt, dầu hướng dương và lúa mì là hai sản phẩm mà Ukraine chiếm tỷ trọng lần lượt 48% và 13% tổng lượng cung toàn cầu.

Theo thống kê, 80% quốc gia ghi nhận lạm phát giá lương thực cao hơn lạm phát chung, cùng với tình trạng mất an ninh lương thực đang diễn ra một cách trầm trọng ở các quốc gia đang phát triển, số người bị mất an ninh lương thực đã tăng lên hơn 345 triệu ở 82 quốc gia.

Dự báo kinh tế ngắn hạn tại châu Âu không mấy sáng sủa, tăng trưởng năm 2023 khoảng 0,5%, năm 2024 là 0,9%, và 1,5% cho năm 2025, đặc biệt nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” Đức âm 0,1% năm 2023. Như vậy, tăng trưởng kinh tế châu Âu có thể sẽ thấp hơn nhiều so với Mỹ, Ấn Độ và trung bình toàn cầu.

Thứ ba, trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng “thống nhất Đài Loan là điều không thể tránh khỏi” – với ngôn từ mạnh mẽ hơn so với năm ngoái khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là hòn đảo này tổ chức bầu ra một nhà lãnh đạo mới.

Eo biển Đài Loan đầy nguy cơ xung đột

Cho dù Bắc Kinh sử dụng phương pháp “chính trị, ngoại giao”, hay “quân sự” với Đài Loan thì hậu quả để lại với kinh tế toàn cầu vẫn không hề dễ chịu. Nếu điều này xảy ra, đây là tiền đề tạo ra cuộc khủng hoảng địa chính trị, lôi kéo nhiều cường quốc tham chiến ngay tại trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất châu Á – Thái Bình Dương.

Hoạt động hàng hải quốc tế trên eo biển Đài Loan sôi động nhất hành tinh, với khoảng 50% container. Đài Loan cũng là nơi sản xuất phần lớn chất bán dẫn, chip, vốn đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế hiện đại và được sử dụng trong gần như mọi thiết bị hiện nay, từ máy pha cà phê đến tên lửa và cơ sở hạ tầng quốc phòng.