Các chuyên gia cho rằng điều này các nước ASEAN cần nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động trong khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Tập đoàn tư vấn Boston Consulting (BCG) của Hoa Kỳ dự báo giá trị của các ngành công nghiệp kỹ thuật số trong khu vực ASEAN, chẳng hạn như thương mại điện tử, sẽ tăng từ 300 tỷ USD hiện tại lên 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. “Nếu có nền tảng phù hợp, con số đó thậm chí có thể tăng gấp đôi lên 2 nghìn tỷ USD”, Rich Lesser, Chủ tịch toàn cầu của BCG nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Rich Lesser nói thêm, quá trình chuyển đổi số này sẽ định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp của các nước trong khu vực, từ các lĩnh vực công nghệ như phần mềm, viễn thông và trí tuệ nhân tạo đến những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nông nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy năng suất và mở ra những nguồn tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, Chủ tịch BCG lưu ý rằng khu vực này phải ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác tiềm năng tăng trưởng kỹ thuật số. Theo đó, việc đào tạo lại kỹ năng không chỉ để mọi người làm việc về phần cứng, phần mềm, mà còn để các lực lượng lao động trong các lĩnh vực khác nhau biết cách sử dụng công nghệ.
“ASEAN, giống như các khu vực khác trên thế giới, sẽ phải đầu tư để nâng cao trình độ của các thế hệ lao động hiện tại, đồng thời cung cấp các hình thức đào tạo và phát triển kỹ năng khác nhau cho những người trẻ tuổi để giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi số”, ông Rich Lesser nhấn mạnh.
Nền kinh tế số của ASEAN phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, cho thấy tiềm năng to lớn với việc triển khai nhanh chóng các nền tảng số và công nghệ số ở nhiều quốc gia cũng như sự phát triển bùng nổ của các ngành như thương mại điện tử, ứng dụng vận tải và dịch vụ trực tuyến.
Đối với các nước ASEAN, nền kinh tế số sẽ góp phần thúc đẩy thị trường tiêu dùng phát triển sôi động hơn, tạo ra các động lực tăng trưởng mới và thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Điều này sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy hành trình tăng trưởng của ASEAN.
Tuy nhiên, nó tạo ra nhu cầu chưa từng có về nhân công kỹ thuật số được trang bị các kỹ năng theo yêu cầu. Singapore cần thêm 1,2 triệu lao động kỹ thuật số vào năm 2025 – tăng 55% so với mức hiện nay – để duy trì tính cạnh tranh. Đối với Indonesia, cần thêm 600.000 nhân lực kỹ thuật số hàng năm để phục vụ quá trình chuyển đổi số cho đến năm 2030.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát về nhân lực kỹ thuật số do Sáng kiến Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (SERI) của Malaysia thực hiện cho thấy chỉ có 4,8% những người trả lời trong khu vực tư nhân Malaysia cảm thấy rằng thị trường lao động hiện tại có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân lực kỹ thuật số của họ.
Chính vì vậy, một loạt báo cáo đã chỉ ra khoảng cách kỹ năng kỹ thuật số cần được thu hẹp. Báo cáo Chỉ số hội nhập kỹ thuật số ASEAN 2021 do khối này công bố lưu ý rằng Đông Nam Á có điểm kỹ năng và nhân lực kỹ thuật số thấp. Báo cáo của UNICEF năm 2021 về trình độ hiểu biết về kỹ thuật số trong các hệ thống giáo dục trên khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tiết lộ rằng, phần lớn thanh niên ở ASEAN có trình độ hiểu biết về kỹ thuật số ở mức vừa phải, nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt lớn giữa từng quốc gia.
Pavida Pananond, Giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok cho biết: “Việc nâng cấp trình độ kỹ năng số trong lực lượng lao động là trách nhiệm của cả chính phủ và khu vực tư nhân”.
Chuyên gia này cũng nói thêm, ASEAN có thể hợp tác với các công ty công nghệ khu vực trong nỗ lực giáo dục kỹ thuật số nhằm tăng cường hội nhập lực lượng lao động kỹ thuật số trong khu vực. Đồng thời, phải xem xét bổ sung lao động kỹ thuật số vào Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ các nước ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia trong khu vực và đảm bảo rằng các chính sách của mình được thực thi.
Cuối cùng, ông Pananond khuyến nghị, ASEAN cần sớm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tập sự trong nội bộ ASEAN và phát triển kỹ năng kỹ thuật số thông qua các nền tảng giáo dục như AUN và các chương trình khác.
Cẩm Anh