Kết thúc AMEM 38 cùng các Hội nghị liên quan, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đều tin tưởng các cam kết về phát triển năng lượng ASEAN và quá trình chuyển dịch năng lượng chắc chắn sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành năng lượng ASEAN bền vững và thân thiện với môi trường.
Ngày 20-11, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) lần thứ 17; Hội nghị đối thoại Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (AMEM – IRENA) lần thứ 4; Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á lần thứ 14; Đối thoại Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á và các tổ chức quốc tế; Đối thoại Bộ trưởng Năng lượng ASEAN và doanh nghiệp năng lượng. Các hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 lần thứ 17, các bộ trưởng, trưởng đoàn đều khẳng định, ASEAN+3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới, hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi và khả năng phục hồi năng lượng.
Các bộ trưởng, trưởng đoàn cho rằng, các nước ASEAN+3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới, hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi và khả năng phục hồi năng lượng. Đặc biệt, các nước thừa nhận quá trình chuyển đổi năng lượng trong ASEAN không chỉ tập trung vào chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, mà còn gồm các lựa chọn năng lượng sạch, bền vững và công nghệ hướng tới khả năng phục hồi sau đại dịch.
Tại Hội nghị đối thoại Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN (AMEM) và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giá thành điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng cạnh tranh với các nguồn điện nhiên liệu hóa thạch truyền thống; giúp đạt được các mục tiêu giảm tác động của biến đổi khí hậu do sử dụng năng lượng trong khu vực và trên thế giới.
Tại Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC) 2016-2025, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ là 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp và 35% trong tổng công suất nguồn điện. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của từng nước thành viên, rất cần sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế, trong đó có IRENA.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á lần thứ 14, các bộ trưởng ghi nhận sự cần thiết phải theo đuổi một chính sách năng lượng thực tế và thực dụng để đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó là tầm quan trọng của việc bảo đảm nguồn cung cấp ổn định và năng lượng sạch với mức giá hợp lý để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cuộc sống hằng ngày.
Về thúc đẩy các công nghệ tiên tiến và xã hội carbon thấp, các bộ trưởng đánh giá cao Nhật Bản đã tiếp tục vận động phát triển công nghệ khử carbon di động. Các bộ trưởng khẳng định lại tầm quan trọng của cam kết tăng cường sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng khí tự nhiên hóa lỏng.
Cũng trong chiều nay, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung về Đối thoại Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á và các tổ chức quốc tế và Đối thoại Bộ trưởng Năng lượng ASEAN và doanh nghiệp năng lượng.
Mạnh Nghiệp