Với thế hệ iPad Pro mới ra mắt của mình, Apple đã đem công nghệ LiDAR tới người dùng với kỳ vọng tăng trải nghiệm thực tế tăng cường (AR). Vậy Apple đang toan tính gì trong lĩnh vực thực tế ảo?
Công nghệ LiDAR là gì?
LiDAR (Light Detection and Ranging) đây là công nghệ giúp xây dựng mô hình 3D. Cảm biến này sẽ phát ra chùm tia laser công suất thấp tới môi trường, rồi tiếp nhận ánh sáng phản chiếu ngược lại phần cứng để xử lý. Từ dữ liệu như thời gian quay lại của laser, hệ thống sẽ xây dựng bản đồ ba chiều mô phỏng không gian, đồ vật và con người.
Theo Apple Insider, LiDAR hoạt động tương tự như cảm biến TrueDepth của cụm camera phía trước, là công nghệ giúp FaceID hoạt động, nhờ tạo ra một bản đồ chi tiết chiều sâu khuôn mặt. Nhưng LiDAR thay vì được tối ưu hóa cho khuôn mặt, nó cho phép người dùng quét mô tả chính xác sâu về môi trường xung quanh.
Công nghệ này không phải là mới, nhưng nó mới chỉ dừng ở việc áp dụng trên những thiết bị lớn như trên các xe tự lái của Tesla, hay Google. Tại Apple, trước iPad Pro 2020, LiDAR đã được ứng dụng trong dự án xe tự lái Project Titan. Lidar có thể được sử dụng giúp cho máy tính có thể “nhìn” được các vật thể, số hóa toàn bộ không gian xung quanh cảm biến.
Toan tính của Apple
Không phải tự dưng mà Apple đem LiDAR lên iPad Pro (2020) để tăng cường trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) mà công ty này đã ấp ủ bấy lâu. Ngay từ hệ điều hành iOS13, nhiều lời đồn đoán về một chiếc kính “Apple Glass” với công nghệ AR sẽ được ra đời dựa trên code của iOS13.
Tuy nhiên, thay vì cho ra đời một chiếc kính AR, Apple lại tích hợp nó ngay lên chính màn hình thiết bị của mình phát triển nền tảng ARKit. Như với iPad Pro (2020), Apple cho biết, người dùng có thể tương tác với vật thể ảo ngay lập tức, thay vì phải quét môi trường trước khi chạy ứng dụng. Nhờ cảm biến chuyển động và LiDAR, ứng dụng Measure có thể đo khoảng cách và chiều dài nhanh hơn. Ngoài ra, ứng dụng này được bổ sung tính năng mới Ruler View để thực hiện phép đo chi tiết hơn trong tương lai.
Như vậy, Apple chỉ đơn giản là tinh gọn đi những thứ không cần thiết và tích hợp nó trên một thiết bị duy nhất, thay vì bắt người dùng phải mua thêm một chiếc Apple Glass.
Trước đây, Bloomberg tiết lộ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) là hai công nghệ cốt lõi trong chiến lược phát triển tiếp theo của Apple. Và điều này cho đến nay đã hoàn toàn có cơ sở. Rất có thể, với thế hệ iPhone 12 mới là iPhone 12 Pro, Apple cũng sẽ tích hợp bộ cảm biến LiDAR.
Nếu điều đó trở thành sự thật, thì rõ ràng trên thị trường thiết bị di động toàn cầu, chỉ duy nhất Apple đã mang trải nghiệm AR và VR tới người dùng mà không cần thêm bất kỳ thiết bị thứ 3 nào khác. Cảm biến LiDAR và công nghệ AR sẽ là của “riêng” Apple theo đuổi vào thời điểm hiện tại.
Vậy là một lần nữa Apple đã đi trước các thương hiệu khác, không chạy đua số chấm trên camera, không chạy đua thiết bị 5G, Apple đã có một hướng đi khác, muốn thống trị mảng AR.
Tham vọng thể hiện khá rõ qua hàng loạt động thái thu mua các công ty công nghệ liên quan đến AR. Cụ thể, Apple đang nỗ lực thâu tóm công ty truyền hình sự kiện ảo NextVR, thỏa thuận trị giá khoảng 100 triệu USD.
LiDAR tuy là công nghệ không mới nhưng Apple đã biến nó thành một thứ hoàn toàn mới, ghi dấu ấn của riêng mình, khi lần đầu tiên đem LiDAR lên một thiết bị di động như iPad hay rất có thể là iPhone (2020). Việc này đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng, nó khẳng định năng lực của Apple, không chạy theo xu hướng của các hãng khác mà cung cấp một thứ “độc nhất”, một công nghệ tiên tiến như AR với mức giá phù hợp.