Khoảng 3 triệu đến 4 triệu chiếc tai nghe không dây, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trong quý II, sẽ được “sản xuất tại Việt Nam”
Theo thông tin từ Apple, trong quý II/2020, hãng này sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods nổi tiếng tại các nhà máy đặt tại Việt Nam. Đây được xem là một trong những dấu hiệu cho thấy “táo khuyết” đang đẩy mạnh sự đa dạng hóa trong chuỗi sản xuất, giảm dần sự lệ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc
Cụ thể, khoảng 3 triệu đến 4 triệu chiếc tai nghe không dây, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trong quý II, sẽ được “sản xuất tại Việt Nam”. Tuy nhiên, việc dịch chuyển sản xuất này chưa bao gồm tai nghe AirPods Pro – phiên bản cao cấp với các tính năng khử tiếng ồn mà Apple ra mắt người dùng vào tháng 10 năm ngoái.
Mặc dù một số thiết bị điện tử di động bị áp thuế bổ sung trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung, phần lớn là các dòng AirPods, bao gồm AirPods cổ điển (giá $ 159) và AirPods Pro (giá $ 249) vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này chưa kể đến việc các sản phẩm bán chạy hàng đầu khác của Apple như iPhone và MacBook, cũng đều chưa bị áp thuế và vẫn chủ yếu được lắp ráp tại Trung Quốc.
Theo hãng tin Nikkei: “Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam thực tế đã được xúc tiến vào tháng 3. Giới chức Việt Nam đã cấp giấy phép đặc biệt cho một nhà lắp ráp Apple AirPods quan trọng, giúp các kỹ sư nước ngoài của hãng có thể nhập cảnh trong thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.”
Vào giữa tháng 1, khi Mỹ và Trung Quốc ký kết giai đoạn đầu của thỏa thuận nhằm giảm bớt xung đột thương mại kéo dài một năm, Apple đã chậm lại những nỗ lực rời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc – vốn được xem là cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của hãng.
Nhưng đại dịch toàn cầu COVID-19 bùng phát, như một lời nhắc nhở dành cho các công ty công nghệ về tầm quan trọng của đa dạng hóa và sản xuất bền vững, chứ không phải chỉ là chú tâm về các thị trường lao động với chi phí thấp.
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, hơn nữa, đã bùng phát trở lại khi Washington lên kế hoạch loại bỏ và di dời dần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc như là hình phạt cho cáo buộc che giấu thông tin dịch bệnh của quốc gia này.
Bên cạnh đó, Tokyo cũng cho biết họ sẽ tài trợ cho các kế hoạch tái định cư sản xuất của các công ty Nhật Bản nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Apple đã trao đổi với các nhà cung cấp của mình để điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất trong nửa đầu năm 2020. Cụ thể, táo khuyết đã giảm hơn 10% so với đơn đặt hàng vào tháng 1 ở khoảng 45 triệu chiếc. Bên cạnh đó, kế hoạch ra mắt bản cập nhật của AirPods vào cuối năm nay hiện cũng bị ảnh hưởng và bị hoãn do đại dịch.
AirPods – mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục các sản phẩm phần cứng của Apple, hiện là tai nghe Bluetooth không dây bán chạy nhất thế giới – chiếm khoảng khoảng 50% thị trường tai nghe không dây toàn cầu năm 2019.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, Apple đã bán được khoảng 65 triệu chiếc chỉ tính riêng trong năm ngoái, và dự đoán doanh số của mặt hàng này sẽ tăng lên tới 100 triệu chiếc trong năm 2020.
Tại đỉnh điểm căng thẳng thương mại Mỹ – Trung năm ngoái, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá các kế hoạch chuyển khoảng 15% đến 30% sản lượng phần cứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, nhà máy GoerTek – đơn vị lắp ráp AirPods chính tại Trung Quốc, bắt đầu chuẩn bị chuyển nhà máy sang Việt Nam từ đầu tháng 10 năm 2018 và sản xuất một số sản phẩm thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái.
Tương tự, Luxshare Precision Industry, hay còn được gọi là Luxshare-ICT, đã bắt đầu đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam vào năm 2019, và hiện cũng đã bắt tay vào việc sản xuất hàng loạt tai nghe không dây. Inventec, một nhà lắp ráp AirPods khác hiện cũng đang xây dựng một nhà máy tại Việt Nam theo yêu cầu của Apple.
Apple đã dần dần hình thành một chuỗi cung ứng âm thanh hoàn chỉnh hơn ở Việt Nam – nơi mà người khổng lồ công nghệ Cupertino, Calif. “ông tổ” của EarPods truyền thống – loại tai nghe có dây đi kèm với iPhone – đã làm việc với nhiều nhà cung cấp ở Việt Nam từ trước đó.
Trong khi đó, nhà cung cấp linh kiện âm thanh của “táo khuyết” – Merry Electronics đang hợp tác với Luxshare để chuẩn bị xây dựng một cơ sở tại Việt Nam. Nhà máy này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động sớm nhất là vào mùa hè này. Nhiều nhà cung cấp của Apple, như hai nhà sản xuất iPhone lớn Foxconn và Pegatron, và nhà sản xuất iPad Compal Electronics, đều đang mở rộng sản xuất ở các nhà máy đặt tại miền bắc Việt Nam.
Ngoài Apple, nhiều công ty công nghệ khổng lồ khác như Google và Amazon cũng đều đang nỗ lực đa dạng hoá chuỗi sản xuất của mình nhằm giảm sự lệ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc.
Theo Giáo sư Willy Shih tại Trường Kinh doanh Harvard: Cho đến nay, về mặt chuỗi cung ứng công nghệ, Trung Quốc thực sự có cơ sở hạ tầng, giao thông, công nhân lành nghề và hậu cần tốt nhất. Nhưng chúng ta sẽ chứng kiến sự đa dạng hóa hơn trong những năm tới, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, vì bây giờ các tập đoàn đều nhận ra họ không thể bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ. Tôi cho rằng nhiều khả năng kịch bản sẽ là các công ty lớn này sẽ tìm kiếm Trung Quốc cộng một, Trung Quốc cộng với hai quốc gia khác, hoặc thậm chí Trung Quốc cộng với ba quốc gia khác trong dài hạn”.