Trước sức ép tài chính mùa dịch, để tránh thiệt hại thêm dòng tiền, nhiều nhà đầu tư cắn răng “bán lúa non” căn hộ đang trong quá trình triển khai dù đã thanh toán 50-70% giá trị tài sản.
Sau hơn một năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, tại TP.HCM và Bình Dương đã xuất hiện một số trường hợp nhà đầu tư rao bán BĐS nhằm cắt lỗ, tránh thiệt hại về vốn.
Áp lực tài chính lớn
Anh N.Đ.T (phường An Phú, TP. Thủ Đức) cho biết, anh vừa đăng tin rao bán căn hộ diện tích 56m2, 2 phòng ngủ thuộc một dự án chung cư đang xây dựng tại khu vực Dĩ An, Bình Dương với giá 1,2 tỷ.
Được biết, đầu năm 2020 anh T. mua căn hộ này với giá gần 32 triệu/m2, tính đến hiện tại anh đã thanh toán cho chủ đầu tư 70% giá trị căn hộ và chỉ còn khoảng 25% nữa là nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên sau khi trải qua nhiều lần kinh tế “lao đao” vì dịch bệnh, anh chỉ còn cách bán non căn hộ này để thu hồi vốn và cũng không thể tiếp tục thanh toán thêm cho chủ đầu tư vì tài chính cạn kiệt.
“Nếu tính theo tiến độ thanh toán thì tôi đã bỏ vào căn nhà này hơn 1,26 tỷ đồng, thời điểm này nếu tính là bán huề vốn thì thấp nhất cũng phải là 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu rao bán giá này thì không tìm được đầu ra ngay, nhất là trong thời điểm dịch bệnh và thị trường căn hộ Bình Dương vốn đã nguội lạnh từ đầu năm. Để nhanh chóng thu hồi vốn, tôi đành chấp nhận bán lỗ gần 70 triệu đồng”, anh T cho hay.
Không chỉ các dự án tại Bình Dương, loại hình căn hộ cao cấp ở TP. HCM cũng không thiếu nhà đầu tư chấp nhận bán giá non để thu hồi vốn. Một nhà đầu tư giấu tên tại khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức cho biết, đang có nhu cầu bán nhanh căn hộ tại một chung cư cao cấp trên cùng địa bàn này nhưng đã rao bán gần nửa năm nay mà vẫn chưa tìm được người mua, dù ông đã rao bán bằng giá thời điểm mua vào.
Nhà đầu tư này cho biết, ông mua căn hộ từ thời điểm năm 2018 với giá 65 triệu đồng/m2, đến cuối năm vừa rồi thì chủ đầu tư bàn giao nhà. Do tình hình kinh tế khó khăn nên ông không thanh toán được đủ tiền cho chủ đầu tư, kéo dài lâu thì tiền phạt càng nặng, vì vậy ông mới buộc phải rao bán gấp.
Lúc đầu tham khảo giá thị trường, thấy các dự án lân cận mở bán giá 80-90 triệu đồng/m2, nhiều căn trong dự án cũng bán giá đến 75-80 triệu đồng/m2 nên nhà đầu tư này cũng dựa theo giá đó mà rao bán. Tuy nhiên bán mãi không tìm được khách mà đánh chấp nhận giảm xuống mức giá 66 triệu đồng/m2, gần như đã cắt bỏ hoàn toàn lợi nhuận nếu không tính là thua lỗ nếu trừ khoản lãi suất vay vốn ngân hàng.
Được biết không chỉ riêng nhà đầu tư trên, dự án này hiện tại đang có rất nhiều khách hàng có nhu cầu bán ra gấp để thu hồi vốn, điều này khiến nguồn hàng bán ra nhiều trong khi diện tích căn hộ lớn, tổng giá từ 10-15 tỷ đồng/căn, không phải tầm giá dễ tiêu thụ với phân khúc căn hộ.
Khó khăn có kéo dài đến hết năm 2021?
Theo Batdongsan.com.vn, nhiều sàn môi giới căn hộ trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương cho biết có nhiều lý do khiến chủ nhà phải bán cắt lỗ căn hộ nhưng nhiều nhất vẫn là không đủ tài chính để tiếp tục duy trì thanh toán cho chủ đầu tư. Rất nhiều dự án đang bước vào giai đoạn chuẩn bị bàn giao đang được chủ nhà rao bán lại với giá gốc.
Không thiếu người mua vì thiếu tiền, không nộp đủ thì không được nhận nhà, nếu trì hoãn kéo dài thanh toán còn phải nhận thêm mức phạt khá nặng. Nhiều người kẹt tiền hoặc không muốn vay ngân hàng sẽ phải chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí chịu lỗ. Với một khoản đầu tư mà bỏ ra hơn cả tỷ trong 1-2 năm mà không thu được đồng lời nào thì rõ ràng chính là đầu tư lỗ vốn.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, xu hướng rao bán căn hộ chủ yếu diễn ra ở loại hình cao cấp, nguồn cung phân khúc này lớn trong khi sức mua lại tập trung vào sản phẩm trung cấp với giá dưới 40 triệu đồng/m2. Nhiều người kỳ vọng tài sản có thể tăng 30-40% nhưng thực tế thì sản phẩm không đủ chất lượng, không đủ sức hút nên khó tăng giá thứ cấp. Cũng có trường hợp nguồn hàng quá nhiều, cạnh tranh bán ra lớn trong khi sức tiêu thụ tại thị trường thứ cấp của dự án không cao, muốn bán chênh trở lên rất khó.
Nhìn nhận về nhu cầu của thị trường các tháng tới đây, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, với tình trạng dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp tại TP. HCM và các địa phương lân cận, việc giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài đến tháng 7, nhà đầu tư không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường có thể tiếp tục rơi vào tình trạng sức mua giảm mạnh.
Khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước. Vậy nên, nhu cầu mua sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải, hợp túi tiền. Dòng sản phẩm giá trị lớn sẽ ít nhiều khó khăn trong tìm kiếm đầu ra, nhất là trên thị trường thứ cấp.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định, thị trường có thể sẽ mất thêm quý 3 để kiểm soát dịch bệnh. Hi vọng phục hồi được gửi gắm vào quý 4/2021, tuy nhiên mọi khả năng đều phụ thuộc vào việc Covid-19 được kiểm soát tới đâu và chiến dịch tiêm chủng vaccine mang lại hiệu quả ra sao.
“Ở thời điểm này, các doanh nghiệp BĐS đang dồn sức để duy trì hoạt động. Vì vậy, tình hình 6 tháng cuối năm chưa thể khả quan ngay. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, việc lãi suất ngân hàng vẫn đang thấp, các lĩnh vực khác vì ảnh hưởng dịch bệnh nên chưa thể tăng giá trị ngay, nên BĐS vẫn là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền, cụ thể là lĩnh vực nhà ở vì đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của người dân” – bà Hương cho biết.
Phương Uyên