Là nhà nhập khẩu lớn, EU ngày càng đưa ra những tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững cao hơn, chặt chẽ hơn và dần được luật hoá.
Yêu cầu bắt buộc
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Hồng Loan – chuyên gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho biết: EU là thị trường nhập khẩu lớn nhưng cũng khó tính với các tiêu chuẩn môi trường cao, chặt chẽ hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Tiêu chuẩn xanh với mục tiêu giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tham vọng là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do vậy, EU đưa ra nhiều đề xuất khác nhau, toàn diện trên các lĩnh vực khác nhau để đảm bảo mục tiêu trên, bao trùm từ lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản đến giao thông vận tải…
Sắp tới đây, vào ngày 1/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có hiệu lực thực thi. Theo lộ trình thực hiện, trong giai đoạn thử nghiệm, các doanh nghiệp trong 6 nhóm mặt hàng (xi măng, sắt thép, điện, hydro) thực hiện báo cáo, nếu không sẽ không được nhập khẩu vào châu Âu.
So với trước đây, các quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững nói chung của EU thường áp dụng nhỏ lẻ và mang tính chất tự nguyện nhưng hiện nay, các quy định này sẽ mang tính chất bắt buộc và bao trùm tất cả sản phẩm thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn xanh đều có yêu cầu cụ thể, trong đó, đa phần thực hiện theo lộ trình với từng giai đoạn cụ thể để các doanh nghiệp của EU và các đối tác, các nhà cung cấp của EU có thời gian chuẩn bị, thích ứng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không thể không quan tâm, tìm hiểu và có hành động thực thi.
Với ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn. Song, dệt may cũng là mặt hàng tác động đến môi trường xếp thứ 3 tại EU và nằm trong 30 mặt hàng rủi ro có thể được đưa vào cơ chế CBAM từ nay đến năm 2030. Trước đó, từ đầu năm 2022, EU đã thông qua chiến lược tuần hoàn và bền vững cho dệt may với mục tiêu hướng đến giảm tiêu dùng thời trang nhanh, giảm lượng quần áo thải ra môi trường hàng năm.
Theo ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng tập đoàn Dệt may Việt Nam, thực hiện chiến lược này, EU thông qua nhiều sáng kiến, đề xuất khác nhau từ thiết kế sinh thái, ghi nhãn theo quy định và dự kiến có hộ chiếu sản phẩm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin sản phẩm xanh vào năm 2024… Trong năm 2024 cũng là thời điểm báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp dệt may được chuyển sang bên thứ 3 kiểm toán thay vì chỉ cần đưa vào báo cáo thường niên như trước đây.
Tìm cơ hội trong thách thức
Thông tin thêm về một số quy định khác liên quan đến phát triển bền vững mà EU đã và dự kiến thực hiện, ông Vương Đức Anh cho rằng, các quy định liên quan đến phát triển bền vững, chuyển đổi xanh của EU rất tổng thể. Ngoài ra, các nhà mua lớn trên thế giới đều công bố rộng rãi chiến lược phát triển bền vững với những mục tiêu cụ thể.
Tất cả quy định trên đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt, thay đổi nhận thức và hành động để thích ứng.
Ngoài yêu cầu bắt buộc từ nhà sản xuất, từ EU, bà Nguyễn Hồng Loan cho biết thêm, yêu cầu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững còn đến sớm hơn từ chính những người tiêu dùng của EU với ý thức mua sắm sản phẩm xanh, nói không với các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều chung nhận định, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu. Thách thức trước mắt là lớn nhưng cơ hội đi kèm cũng rất lớn nếu chúng ta bắt kịp xu thế. Đây là cơ hội để nâng tầm giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp Việt.
Đại diện tập đoàn Dệt may cho biết: các quy định liên quan đến chuyển đổi xanh và chiến lược tuần hoàn và bền vững cho dệt may đã được tập đoàn cập nhật kịp thời tới các doanh nghiệp để có sự chuẩn bị, thích nghi. Xác định phát triển bền vững là chiến lược đường dài, tập đoàn bám sát theo yêu cầu của khách hàng, của thị trường để có bước đi phù hợp, linh hoạt như đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, thay đổi nhận thức, tổ chức sản xuất thử nghiệm đối với mặt hàng phát triển bền vững…
Hạnh Lê