Sau đại dịch COVID-19, kỷ nguyên mới phát triển của thương mại điện tử được mở với sự chuyển dịch mô hình kinh doanh và hành vi mua sắm của khách hàng.
Thay đổi trải nghiệm mua sắm trực tuyến
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Sau đại dịch COVID-19, mua sắm trực tuyến ăn sâu vào hành vi tiêu dùng của người dân, trong đó 60% người dân Việt Nam đã từng mua sắm trực tuyến. Các ngành hàng được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến tăng lên con số 7, cao gấp rưỡi so với trước đại dịch.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân có trải nghiệm mua sắm trực tuyến đạt đến 96%. Trong đó, có đến 43% gen Z – khách hàng tương lai đã có trải nghiệm mua sắm trực tuyến hàng ngày trên các sàn thương mại điện tử. Ở góc độ doanh nghiệp, năm 2022, số lượng đơn vị kinh doanh trên sàn tăng đến 27%.
Ông Đặng Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: mô hình kinh doanh bán lẻ đang có sự thay đổi. Khoảng 20 năm trước, có sự chuyển đổi lớn từ mô hình mua bán tại chợ truyền thống sang bán lẻ hiện đại các siêu thị, trung tâm thương mại. Khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình kinh doanh trên thương mại điện tử song hành cùng mô hình kinh doanh vật lý trên.
Hành vi và thái độ mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi theo. Giai đoạn đầu, người tiêu dùng chỉ đến siêu thị và trung tâm thương mại để nhìn ngắm nhiều hơn mua sắm nhưng đến nay bán lẻ hiện đại đã trở thành một phần tất yếu của đời sống hằng ngày. Tương tự như vậy, mô hình kinh doanh trực tuyến đang thay đổi, chuyển hóa từ mô hình “thô” từ những thu hút mang tính nhất thời thành đáp ứng nhu cầu mua sắm mang tính lâu dài hơn và người dùng đã có thể mua sắm đủ thứ trực tuyến, kể cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống mà mấy năm trước tưởng chừng như rất khó kinh doanh.
Xu hướng thương mại điện tử bền vững
Theo ông Đặng Anh Dũng, 10 năm đầu tiên của thương mại điện tử tại Việt Nam là thời gian các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, công nghệ, nhân lực và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm thông qua các ưu đãi, chương trình khuyến mại, giảm giá, miễn phí vận chuyển.
Sau đại dịch COVID-19 là kỷ nguyên phát triển tiếp theo của thương mại điện tử. Thay vì phát triển theo chiều rộng, thương mại điện tử sẽ đi vào chiều sâu. Phó Tổng giám đốc Lazada cho rằng, kỷ nguyên này đòi hỏi các doanh nghiệp thương mại điện tử cần thấu hiểu sâu sắc hơn về hành vi, thái độ mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý là thế hệ người tiêu dùng trẻ – gen Z được dự đoán chiếm 25% lực lượng lao động Việt Nam trong vài năm tới.
Gen Z là thế hệ làm chủ công nghệ. Cuộc sống của họ gắn liền với sự phát triển của công nghệ. Thế hệ này có nhiều điểm khác biệt: quan tâm đến những giá trị bền vững trong hành vi mua sắm của mình, sẵn lòng tìm kiếm và khám phá những trải nghiệm mới.
Theo một báo cáo, 65% gen Z tìm kiếm giá trị khi đưa ra quyết định mua hàng, nếu thương hiệu không đáp ứng được yêu cầu chất lượng, khách hàng gen Z sẽ từ bỏ và chuyển sang lựa chọn thương hiệu khác.
Để nắm bắt xu hướng, khách hàng với trải nghiệm mới, các doanh nghiệp cần phải hướng đến phát triển kinh doanh bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến, phát triển nhân lực số chất lượng cao, phát triển ứng dụng và công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng.
Ông Đặng Anh Dũng cho rằng, sự chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững trong từ 3 – 5 năm tới sẽ giúp cả hệ sinh thái được hưởng lợi, từ doanh nghiệp thương mại điện tử đến nhà bán hàng và người tiêu dùng, tạo ra tác động kép và sức mạnh cộng hưởng cho sự phát triển lâu dài. Việc xây dựng và theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững không chỉ diễn ra trong 1 – 2 tháng hay 1 – 2 quý mà là sự phát triển đồng bộ, lâu dài ngay từ triết lý kinh doanh, tích hợp vào mô hình kinh doanh lõi. Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng cũng không mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững. Những đầu tư ngắn hạn sẽ cho kết quả ngắn hạn, những đầu tư cho bền vững sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lâu bền.
Hạnh Lê