Tập đoàn Amazon đang lên kế hoạch mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng khi thiết kế một tính năng giúp trợ lý ảo Alexa có thể bắt chước giọng nói của những người thân trong gia đình hoặc bất kỳ người nào khác.
Phó Chủ tịch cấp cao Amazon Rohit Prasad cho biết, hãng bán lẻ trực tuyến này đang thiết kế một hệ thống cho phép Alexa có thể bắt chước bất kỳ giọng nói nào sau khi nghe một đoạn ghi âm chưa tới 1 phút. Mục tiêu là giúp người dùng có thể lưu giữ thêm ký ức sau khi có rất nhiều người đã mất đi những người thân yêu trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Amazon từ chối tiết lộ khi nào sẽ chính thức ra mắt tính năng này.
Amazon kì vọng dự án trên sẽ giúp trợ lý ảo Alexa trở nên phổ biến và thân thuộc hơn trong đời sống của người tiêu dùng. Mục đích của hãng là giúp Alexa có khả năng thích ứng với môi trường người dùng, tiếp nhận khái niệm mới mà không cần phải nạp nhiều dữ liệu.
Tuy nhiên, tính năng mới này tiềm ẩn nhiều lợi ích lẫn nguy cơ bị lạm dụng. Việc đi sâu vào lĩnh vực công nghệ này cũng có khả năng khiến tập đoàn chịu nhiều sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý, đặc biệt là khi một nhân viên của Google gần đây đã đưa ra khẳng định AI của công ty đã đạt được khả năng cảm nhận được cảm xúc. Bên cạnh đó, gần đây, Microsoft đã hạn chế những doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm của hãng về bắt chước giọng nói.
Mặc dù mục đích của phần mềm là hỗ trợ những người có vấn đề về giao tiếp hoặc vấn đề khác, song một số người lo ngại rằng công cụ này có thể bị lợi dụng để tuyên truyền các sản phẩm công nghệ giả (Deepfake) mang tính chính trị. “Deepfake” là những sản phẩm âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là video được tạo ra nhờ trí tuệ nhân tạo.
Với công nghệ này, Amazon hy vọng Alexa có thể trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của khách hàng mình. Theo một giám đốc điều hành của tập đoàn, Amazon hiện đang có 100 triệu khách hàng trên toàn cầu, trùng khớp với số liệu mà công ty đã cung cấp về doanh thu bán thiết bị kể từ tháng 1/2019.
Minh Đức