Những ngày gần đây, trên nhiều tuyến phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt các thùng rác công nghệ kiểu mới. Không chỉ chứa rác, những thùng rác công nghệ này còn được lắp đặt thêm những tấm pin năng lượng mặt trời cùng bảng điện tử để quảng cáo. Liệu doanh nghiệp nào tận dụng được hình thức này để quảng bá thương hiệu và sản phẩm?

Chương trình quảng cáo với thùng rác của Coca Cola

Quảng cáo trên thùng rác là một trong những hình thức quảng cáo ngoài trời, là quảng cáo xuất hiện trong tầm mắt của người tiêu dùng khi họ rời khỏi nhà, là giải pháp truyền thông hiệu quả đang phát triển cực kì mạnh mẽ.

Rác = Bẩn

Với hiện trạng giao thông tại Việt Nam hiện nay, trung bình một người Việt dành ra 2 giờ đồng hồ để di chuyển ngoài đường nên tần suất tiếp cận và bị cuốn hút bởi các phương tiện quảng cáo là rất lớn. Hiện trong các hình thức quảng cáo ngoài trời thì hình thức quảng cáo trên nhà chờ xe bus là đắt đỏ và thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất. Còn hình thức quảng cáo trên thùng rác này khá mới lạ. Mà những gì mới thường hay được mọi người chú ý hơn cả.

Để tận dụng được hình thức này chắc chắn doanh nghiệp phải tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ để che lấp đi việc mà mọi người đều biết rằng: đây là thùng rác, nơi chứa chất bẩn, thải loại của mọi người.

Trong mắt mọi người và định kiến trong đầu về thùng rác bao giờ cũng là bẩn. Đặt quảng cáo trên đó vô hình trung sẽ thành “doanh nghiệp tôi cũng bẩn như thế”, mà trên thực tế đương nhiên không phải vậy.

Mỗi loại hình kinh doanh cần lựa chọn hình thức quảng cáo phù hợp mới gây được ấn tượng tốt và bán được nhiều hàng. Quảng cáo được trên thùng rác thực sự là một điều không dễ và cần có một sự sáng tạo phù hợp.

Chỉ những doanh nghiệp có những ý tưởng độc đáo, sáng tạo với những quảng cáo ấn tượng, đánh vỡ những điều cố hữu thì mới tận dụng được việc quảng cáo trên thùng rác này. Người tiêu dùng sẽ không còn cảm giác “bẩn” mà chỉ còn ấn tượng.

Dành cho những “bậc thầy”?

Coca Cola, một công ty nổi tiếng với những quảng cáo đầy sáng tạo và ấn tượng, đã từng quảng cáo với thùng rác không chỉ một lần.

Vào năm 2011, Coca Cola mở chiến dịch King of the Recycle, để khuyến khích phong trào tái chế rác ở Israel, Coca Cola đã kết hợp cùng Facebook Places, đặt 10.000 thùng rác trên khắp quốc gia này kèm các biển quảng cáo ấn tượng của mình. Người dùng được khuyến khích check-in tại những địa điểm mà họ đã bỏ vỏ chai sau khi sử dụng. Ý tưởng này đóng vai trò to lớn trong việc thay đổi hành vi tại Israel đồng thời giúp Coca Cola có 10.000 điểm quảng cáo thương hiệu trên toàn Israel.

Năm 2019, một chiến dịch khác của Coca Cola ở Châu Âu và Trung Đông, và cả lễ hội âm nhạc 200.000 người tham dự ở Bulgaria. Các biển quảng cáo của Coca Cola cỡ lớn kèm theo các thùng rác tái chế được trang bị tại nhiều khu vực với mục đích nhắc nhở người dùng uống xong nhớ vứt rác đúng nơi quy định. Dải băng trắng trong biểu tượng của thương hiệu được cách điệu thành những bàn tay chỉ đến thùng rác tái chế ngay bên dưới. Cùng với đó là thông điệp “Open, taste, recycle with us” (Mở nắp, thưởng thức và tái chế cùng chúng tôi).

Coca Cola đã thật khéo léo lựa chọn mục đích gắn với môi trường để thực hiện quảng cáo cùng với những hình ảnh ấn tượng và sáng tạo, hoàn toàn xua tan đi cảm giác “bẩn” và hướng mọi người tới những hành vi tốt đẹp như bảo vệ môi trường. Những quảng cáo như vậy thực sự đi vào lòng người.

Về lý thuyết, ở đâu cũng có thể quảng cáo được. Nhưng để quảng cáo ở những nơi định kiến “không sạch sẽ” như thùng rác chẳng hạn, doanh nghiệp phải rất sáng tạo. Trên thực tế, điều này không phải là dễ.

Bất Nhị