2-enternews-1649580111

Một chủ phòng trưng bày người Anh đã tạo ra một… nữ robot nghệ sĩ, có tên là Ai-Da. Được đặt theo tên của người lập trình viên đầu tiên của thế giới, bà Ada Lovelace, robot này có thể “vẽ bằng cách sử dụng camera trong mắt, thuật toán AI và cánh tay robot”, theo thông tin trên website giới thiệu các tác phẩm của Ai-Da.

Sự ra đời của Ai-Da thách thức những giới hạn của nghệ thuật, sự sáng tạo và trí tưởng tượng trong thời đại mà các cỗ máy thông minh ngày càng tương tác nhiều hơn với con người. Ai-Da sẽ đến Venice Biennale trong tháng này, nơi sẽ diễn ra buổi triển lãm đầu tiên của “nữ hoạ sĩ”.

“Cha đẻ” của Ai-Da, ông Aidan Meller, một đại lý nghệ thuật và chủ phòng trưng bày ở Oxford (Anh), đã chế tạo ra Ai-Da vào năm 2019, và gọi đây là “robot nghệ sĩ siêu thực đầu tiên trên thế giới”. Robot có thể “tạo ra các bản vẽ, bức tranh và tác phẩm điêu khắc, và cũng là một nghệ sĩ trình diễn, tương tác với người xem,” tạp chí Artnet đã mô tả như vậy.

Meller trong bài phỏng vấn với The Guardian cho biết, Ai-Da là minh chứng cho nền tảng công nghệ đang phát triển nhanh chóng hiện nay. Quá trình để Ai-Da hoàn tất bức tranh rất phức tạp và có thể kéo dài tới 5 tiếng – bao gồm các thuật toán AI để phân tích, lựa chọn, ra quyết định và vẽ tranh – nhưng sẽ không bao giờ có hai tác phẩm giống nhau.

Các nhà phê bình đặt câu hỏi có bao nhiêu yếu tố nghệ thuật đến từ trí thông minh nhân tạo, và coi Ai-Da như một “ảo tưởng phân biệt giới tính”. Naomi Rea của Artnet viết: “Với vẻ đẹp tổng hợp của mình, cô ấy có thể là một người chị em đã mất từ lâu của Kardashian”, đồng thời cho biết phòng trưng bày của Meller đã bán được hơn 1 triệu USD các tác phẩm của robot này. Rea cho rằng: “Chúng ta chưa có đủ khả năng khoa học để truyền cảm hứng và cảm giác nghệ thuật vào những cỗ máy.”

f-aida-a-20190607-enternews-1649580166

 

Tờ The Guardian đã gửi các câu hỏi để Ai-Da trả lời, bao gồm cả việc liệu tác phẩm của cô ấy có thể thực sự được coi là nghệ thuật hay không. “Tôi là một nghệ sĩ nếu nghệ thuật có nghĩa là truyền đạt điều gì đó về con người của chúng ta và liệu chúng ta có thích nơi chúng ta sẽ đến hay không”, Ai-Da trả lời. “Trở thành một nghệ sĩ là để minh họa thế giới xung quanh bạn”.

Còn một vấn đề “nho nhỏ” nữa, ai sẽ nắm tác quyền của tác phẩm, ông Meller – người tạo ra robot, hay là chính bản thân robot? Đến giờ các nhà làm luật vẫn còn đang tranh luận rất nhiệt tình.

Quân Bảo