Trong nền kinh tế thị trường, mọi thành tố đều phải tuân theo những quy luật khách quan theo cơ chế vận hành chung.
Năm nay, mới đầu năm, chưa xong tết, sinh viên chưa tựu trường, người dân các thành phố đã phải tham gia chiến dịch “giải cứu” dưa hấu, thanh long, khoai lang Nhật, sầu riêng tràn phố khi dịch COVID – 19 làm đảo lộn cuộc sống. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi lợn khoảng 40.000đ/kg, người tiêu dùng phải mua 200.000 nghìn/kg gần nửa năm nhưng chẳng thấy người chăn nuôi “giải cứu”.
Đừng giải cứu “thói quen của nhà nông”
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới “ứ thừa” sản phẩm nông sản mà người tiêu dùng phải “giải cứu” người sản xuất?. Nguyên nhân “thật” của bài ca “giải cứu” nông sản hết năm này sang năm khác theo tôi chính là ở người sản xuất (nông dân).
Người nông dân đang sản xuất theo phong trào, theo thói quen, theo tập quán, theo kinh nghiệm, theo sự hiểu biết… chứ không theo quy luật thị trường, không theo quan hệ cung cầu và họ không cần biết đến nhu cầu là thế nào, cứ “nhắm mắt” sản xuất… nên dẫn tới tình trạng “được mùa rớt giá” – đó là lẽ thường tình trong cơ chế thị trường.
Những chiến dịch ‘giải cứu” nông sản có thực sự giúp được người sản xuất tránh được thua lỗ hay không?, có thực sự mang lại hiệu quả cho người sản xuất?, cho xã hội hay không?, và có thực sự giúp cách sản xuất “tự do” trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển hay không?… rất cần có câu trả lời nghiêm túc, khoa học, khách quan, rồi để tránh mãi bài trường ca “giải cứu” hết năm này sang năm khác?
Theo tôi, những chiến dịch “ giải cứu” thực sự không mang lại hiệu quả như mong muốn, chỉ làm cho quan hệ cung cầu trong nền kinh tế thị trường bị méo mó, rối loạn. Người sản xuất không thực sự được “giải cứu” tránh khỏi thua lỗ, người tiêu dùng “vì lòng thương hại” phải lãng phí trong chi tiêu. Chưa nói, một số đối tượng lợi dụng “giải cứu” để buôn bán kiếm lời riêng, trục lợi trên lưng người nông dân và người tiêu dùng. Và cuối cùng, “giải cứu” không giúp được người nông dân thoát được tư tưởng sản xuất tự do, thoát được suy nghĩ trông chờ “ỷ nại” trong đầu.
Hãy giải cứu thị trường
Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động sản xuất và trao đổi, mua bán hàng hóa giữa người sản xuất và người tiêu dùng được vận hành do sự điều tiết của quan hệ cung cầu, mỗi doanh nghiệp, người sản xuất đều phải căn cứ vào nhu cầu và giá cả thị trường để có quyết định về sản xuất, sẽ không có tình trạng sản xuất thừa, cũng sẽ không có sản xuất thiếu. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường là tự do lựa chọn hình thức sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm, chấp nhận cạnh tranh.
Sự tuân theo cơ chế thị trường là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi người sản xuất, nếu không sẽ bị đào thải, đó là quy luật tất yếu.
Bản chất của kinh tế thị trường là quan hệ hàng – tiền – hàng. Nói cách khác, quan hệ hàng – tiền – hàng là chất dung môi để những con người vừa duy trì được sự tự do sản xuất, kinh doanh, nhờ đó chuyên môn hóa sâu hơn, vừa kết nối chặt chẽ với người khác thông qua các quan hệ trao đổi nhằm hợp tác với nhau trong mạng lưới phân công lao động xã hội ngày càng hợp lý hơn, trongb đó lợi ích kinh tế là động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường, mà trước hết là lợi ích của các nhà đầu tư, người sản xuất, người lao động, người tiêu dùng, của tập thể, nhà nước và toàn xã hội.
Đã đến lúc, các ngành chức năng cùng với truyền thông, phổ biến đầy đủ các thông tin về cơ chế, chính sách tới từng người dân thì ngành nông nghiệp, các địa phương, cơ sở gần dân nhất cũng cần có những biện pháp mạnh để đưa chính sách vào cuộc sống, mà ở đó, phải xác định rõ thị trường, sản phẩm để phát triển nông sản bền vững hơn!