Bất kỳ người Đầu bếp nào cũng cần trau dồi kỹ năng, kiến thức mỗi ngày để đáp ứng sự phát triển và biến đổi không ngừng của ngành. Bên cạnh đó, nắm chắc các tiêu chuẩn của một người Đầu bếp chuyên nghiệp được chia sẻ dưới đây cũng là một trong những yêu tố quan trọng giúp bạn thành công với nghề.
Ngoài tay nghề chất lượng, Đầu bếp phải hội tụ đủ phẩm chất cũng như kỹ năng cần thiết để luôn làm tốt phần việc của mình, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và có được mức lương như mong muốn. Vậy làm Đầu bếp cần những gì? Có những công việc “tưởng chừng không phải của mình” mà bạn cần phải hiểu rõ và thành thục. Hãy ghi nhớ 8 kỹ năng đặc biệt quan trong sau đây:
Giữ dao luôn sắc bén
Dao là công cụ hỗ trợ đắc lực, cũng là “cánh tay phải” của Đầu bếp. Bộ dao luôn phải được bảo quản kỹ càng và mỗi Đầu bếp sẽ có bí quyết riêng để giữ gìn dao luôn được sắc bén. 5 nguyên tắc khi bảo quản dao mà Đầu bếp cần ghi nhớ là:
- Phân loại dao sử dụng cho từng loại nguyên liệu cụ thể.
- Cực kỳ cẩn trọng khi mài dao.
- Tuyệt đối không dùng máy rửa chén để rửa dao.
- Với mỗi loại dao mà bạn có ý định sử dụng, hãy chọn một loại thớt phù hợp.
- Sau khi sử dụng, hãy cắm dao vào giá gỗ hoặc bọc dao cẩn thận.
Khu vực làm việc luôn sạch sẽ
Khu vực làm việc sạch sẽ là một trong những tiêu chuẩn của người Đầu bếp chuyên nghiệp không thể thiếu. Đây cũng là nhiệm vụ của tất cả mọi người khi mới bước chân vào nghề ở vị trí phụ bếp. Một căn bếp hoàn chỉnh sẽ được phân chia khu vực cụ thể và mỗi khu vực đảm nhiệm một chức năng khác nhau. Nhiệm vụ của Đầu bếp là giữ sạch sẽ khu vực làm việc của mình. Trong quá trình nấu nướng, hãy nhớ sắp xếp dụng cụ, nguyên liệu đúng nơi quy định, dọn dẹp những đồ dư thừa ngay khi có thể.
Rèn luyện kỹ năng nêm nếm
Vị giác chuẩn xác là yếu tố quan trọng làm nên các món ăn ngon. Đầu bếp biết cách nhận biết cũng như điều chỉnh gia vị sẽ tạo được hương vị đúng như mong muốn và tính chất của món ăn. Một số Đầu bếp sẽ có khả năng bẩm sinh với các mùi vị nhưng phần lớn các Đầu bếp đều phải luyện tập hàng ngày để có cách xác định hợp lý, chính xác nhất.
Kiểm soát nhiệt độ
Trong Ẩm thực có nhiều hình thức để chế biến khác nhau, tùy thuộc vào khẩu vị của khách hàng, phong cách của Đầu bếp hoặc hình thức của món ăn đó. Dù bạn sử dụng phương pháp nào, bạn cũng cần biết cách điều chỉnh nhiệt độ cho từng giai đoạn để thức ăn không bị quá chín hoặc quá sống. Bên cạnh đó, Đầu bếp cũng cần kiểm soát “nhiệt độ cơ thể”, tức là cân bằng cảm xúc cá nhân để hoạt động hiệu quả nhất ngay cả khi đang trong thời gian cao điểm.
Không từ chối công việc dù là nhỏ nhất
Lộ trình nghề Bếp luôn đi lên từ những vị trí thấp nhất, nếu bạn muốn làm Bếp trưởng, bạn cũng cần có các bước khởi đầu nhỏ và thuần thục những công việc đơn giản nhất. Việc Bếp chính hay thậm chí là Bếp trưởng điều hành cũng xắn tay áo và chuẩn bị nguyên liệu, lau dọn dụng cụ không phải xa lạ. Hãy cùng hỗ trợ đồng nghiệp, biết cách quan sát và chia sẻ khó khăn với những nhân viên xung quanh mình.
Nâng cao kiến thức về Ẩm thực
Nếu muốn trở thành một Đầu bếp giỏi, bạn luôn phải tìm tòi, khám phá những điều mới lạ cũng như xu hướng thị trường để kết hợp, biến hóa thành món ăn của riêng mình. Thông qua tài liệu, sách báo, các chương trình truyền hình, hội thảo hay cuộc thi về Ẩm thực, bạn sẽ có thêm những trải nghiệm bổ ích để áp dụng vào công việc thực tế. Nền tảng kiến thức vững vàng cùng sự sáng tạo và niềm đam mê chính là bàn đạp để bạn vươn tới đỉnh cao của nghề, chạm vào ngôi sao Michelin danh giá.
Ghi chép thông tin quan trọng
Bạn sẽ không thể tự mình nhớ hết hàng tá thông tin quan trọng, vì vậy hãy ghi nhớ bằng cách ghi chép các công thức, mẹo nấu ăn ngon, những bí kíp hay, địa chỉ uy tín mua nguyên vật liệu hay kế hoạch làm việc trong ngày… Từ đó, bạn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ làm việc và kịp thời tìm kiếm thông tin khi cần.
Biết cách lắng nghe
Một người biết lắng nghe sẽ học được nhiều điều hay và nhận được sự giúp đỡ từ mọi người. Người Đầu bếp có thể lắng nghe phản hồi của khách hàng dù cho đó là lời khen hay phê bình thì họ cũng sẽ biết cách cố gắng làm tốt hơn trong lần tiếp theo, mang đến sản phẩm hoàn hảo nhất.
Đầu bếp chuyên nghiệp không dừng lại khi đạt được trình độ xuất sắc mà phải không ngừng nghiêm túc nỗ lực, học hỏi. Dù bạn đang theo đuổi công việc này hay đã là Đầu bếp thực thụ, hãy luôn ghi nhớ tiêu chuẩn của một người Đầu bếp chuyên nghiệp như vừa chia sẻ để nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp nghề Bếp nhé.
Theo Chefjob