Không chỉ đơn giản là một video hay vài biển quảng cáo, những chiến dịch này là những bước tiến làm thay đổi cuộc chơi, thách thức những chuẩn mực trong xã hội, trọng thị phụ nữ và trao quyền cho họ.
Nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, hãy cùng xem lại 8 chiến dịch hướng tới phụ nữ và gây được tiếng vang lớn trong xã hội trong những năm vừa qua.
Women’s Aid – Chiến dịch Look at Me
Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đôi khi bạo lực gia đình trở nên bình thường hóa đến mức những người phụ nữ bị tác động bởi vấn nạn này thường không trình báo với chính quyền và tự mình chịu đựng. Tương tự, những người xung quanh cũng nhắm mắt làm ngơ.
Đó chính là lý do vì sao chiến dịch “Look at Me” (2015) của Women’s Aid lại quan trọng và có sức ảnh hưởng như vậy.
Đây là chiến dịch được phát động trùng với ngày Quốc tế Phụ Nữ 2015 nhằm mục đích nêu bật ý nghĩa quan trọng của các tổ chức từ thiện chống bạo lực gia đình. Trong khuôn khổ chiến dịch, Women’s Aid đã sản xuất một số bảng quảng cáo tương tác khắc họa hình ảnh phụ nữ bị đánh đập và đặt chúng trên khắp Vương quốc Anh. Điều đặc biệt là nếu mọi người đi ngang và phớt lờ bảng quảng cáo, hình ảnh sẽ không thay đổi. Nhưng nếu có ai đó dừng lại và nhìn vào màn hình, vết bầm sẽ bắt đầu lành lại.
Công nghệ đằng sau ý tưởng đột phá này là nhận dạng khuôn mặt và thay đổi ánh mắt. Nhờ đó các bảng quảng cáo có thể thay đổi nội dung trong thời gian thực dựa theo số lượng người đứng lại xem.
Bên cạnh đó, chiến dịch cũng sử dụng GeoWave và gửi thông báo đẩy đến những người qua đường trong khu vực, liên kết họ với một website kêu gọi quyên góp.
Các số liệu cho thấy đây là một chiến dịch rất thành công của Women’s Aid: Thời gian trung bình xem bảng quảng cáo cao hơn 349% so với con số ghi nhận từ một website tương tự. Số người dừng lại và xem hơn 10 giây tăng 2.500%. Tiếp cận 326,9 triệu người, có 70 báo đài, cổng thông tin trực tuyến đưa tin về chiến dịch. 86,7 triệu lượt hiển thị chỉ riêng trên Twitter.
Smirnoff và Spotify – Chiến dịch The Equalizer
Theo dữ liệu của dịch vụ âm nhạc Spotify, trong top 10 bài hát được phát nhiều nhất 2017 không có bài nào của các nữ nghệ sĩ hoặc nhóm nhạc nữ. Trước thực tế ấy, Smirnoff quyết định thực hiện một vài dự án trong khả năng của mình.
Năm 2018, họ kết hợp Spotify phát động chiến dịch “The Equaliser” nhằm giải quyết sự mất cân bằng giới tính trong ngành công nghiệp âm nhạc, đồng thời hỗ trợ và phát hiện thêm các nghệ sĩ nữ.
Trọng tâm của chiến dịch này là công cụ “The Equaliser” với chức năng cho phép người dùng khám phá và thêm các nghệ sĩ nữ vào danh sách phát nhạc của mình.
Không chỉ giới hạn ở không gian kỹ thuật số, chiến dịch “The Equaliser” cũng tổ chức một loạt sự kiện và các buổi trình diễn trực tiếp với sự góp mặt của những nữ nhạc sĩ – nữ DJ tài năng nhất trong ngành. Ngoài ra, chiến dịch còn cung cấp chương trình cố vấn cho các nữ nghệ sĩ, hỗ trợ họ kết nối với những nghệ sĩ đã có tên tuổi, cũng như đưa ra lời khuyên và định hướng trong ngành.
Bên cạnh đó, Smirnoff và Spotify cam kết quyên góp 1 USD trên mỗi người truy cập website The Equaliser. Số tiền này được chuyển đến quỹ học bổng dành cho nữ giới theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.
The Equaliser là một chiến dịch rất cần thiết để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành công nghiệp âm nhạc. Đó cũng là một tuyên bố mạnh mẽ nhằm thu hút nhận thức, sự chú ý đến tình trạng bất bình đẳng mà các nữ nghệ sĩ đã phải đối mặt quá lâu.
Heineken – Chiến dịch Cheers to all
Năm 2009, Heineken sản xuất một quảng cáo đình đám với thông điệp bia là đồ uống dành cho nam giới. Thế nhưng khi nhận thức thế giới thay đổi, Heineken cũng đã nhận ra và thay đổi theo. Vì vậy hơn một thập niên sau, tức năm 2020, thương hiệu này quyết định xóa bỏ định kiến giới về bia bằng chiến dịch “Cheers to all” (tạm dịch: Nâng ly cho tất cả).
“Cheers to all” sản xuất nhiều clip về nội dung phụ nữ và nam giới hoán đổi vai trò cho nhau, trong đó có việc nam giới chọn những đồ uống “thường chỉ dành cho nữ” như nước trái cây và cocktail, còn nữ giới chọn bia làm đồ uống yêu thích.
Chia sẻ về chiến dịch, Giám đốc truyền thông và phát triển thương hiệu Maud Meijboom cho biết: “Ý tưởng cho chiến dịch này được lấy cảm hứng từ trải nghiệm thực tế. Muốn phá vỡ khuôn mẫu và định kiến, việc đầu tiên là phải thừa nhận chúng đang tồn tại. Chúng tôi muốn thực hiện điều này bằng một cách thú vị thông qua các clip trong chiến dịch.”
Always – Chiến dịch #LikeAGirl
#LikeAGirl của Always là một chiến dịch tiếp thị mang tính cách mạng và phá bỏ các định kiến giới.
Bằng một video mạnh mẽ, chiến dịch đặt ra câu hỏi hóc búa: “Làm điều gì đó ‘giống con gái’ tức là làm gì?”
Trong khi câu trả lời của nhiều người là các hành động yếu ớt, hời hợt, những thứ mà nữ giới thường bị gán cho, thì các cô gái trẻ lại thể hiện sự mạnh mẽ và dũng cảm của mình.
#LikeAGirl không chỉ là một khẩu hiệu. Đó còn là lời kêu gọi tập hợp các cô gái ở khắp mọi nơi nhằm xóa bỏ những định kiến giới, cũng như làm chủ sức mạnh và khả năng của mình. Chiến dịch cũng tạo ra một website để các cô gái có thể chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng cho người khác về những gì mình đạt được.
Không chỉ vậy, Always còn hợp tác với các tổ chức khác như Girls on the Run và Women’s Sports Foundation, cung cấp những nền tảng cho những cô gái tham gia lĩnh vực thể thao và những lĩnh vực cần đòi hỏi sức mạnh khác.
#LikeAGirl tạo nên tác động rất lớn, khơi dậy những thảo luận toàn cầu về bình đẳng giới và truyền cảm hứng cho những cô gái trẻ. Chiến dịch giành được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Grand Prix tại Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions.
Theo Always, chiến dịch đã giúp 85% các cô gái cảm thấy có động lực để tiếp tục sau thất bại, và 70% các cô gái trẻ tự tin hơn khi chơi thể thao.
Quân Bảo