Theo thống kê của Cục Hàng không giai đoạn 19/7 – 18/8, tổng số chuyến bay của 5 hãng trong nước chỉ còn hơn 16.400, giảm 33% so với tháng trước và 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng không Việt Nam vừa trở lại dần hồi phục sau đợt dịch COVID-19 lần một thì làn sóng dịch thứ hai bùng phát từ cuối tháng 7 đã chuyển giai đoạn cao điểm thành thấp điểm.
Theo thống kê của Cục Hàng không giai đoạn 19/7 – 18/8, tổng số chuyến bay của 5 hãng trong nước chỉ còn hơn 16.400, giảm 33% so với tháng trước và 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vietnam Airlines bị giảm hơn 4.300 chuyến, tương đương giảm gần 40% so với tháng 7, còn khoảng 6.700 chuyến. Vietjet Air khai thác hơn 5.700 chuyến, giảm 31%, tương đương trên 2.600 chuyến bay.
Tổng số chuyến của các hãng Bamboo Airways, Pacific Airways, VASCO giảm lần lượt giảm 17%, 15% và 43% so với giai đoạn tháng 7. Các hãng bay đã hủy 490 chuyến, tăng 325 chuyến so với tháng trước đó. Các hãng gần đây của cũng phải giảm tần suất hoặc dừng khai thác một số tuyến ít khách như đi/ đến khu vực Tây Nguyên.
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, từ khi hòa bình lập lại đến nay, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế. Đang phát triển vững mạnh nhưng đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn toàn bộ, khiến hãng bị lỗ ròng 15.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu, dự kiến bớt được 2.200 tỉ đồng thì sẽ lỗ khoảng 13.000 tỉ đồng.
“Tổng thị trường nội địa 5 tháng cuối năm có thể chỉ còn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2020, tổng thị trường thấp hơn 30-40%, giá vé cũng giảm 30%”, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành dự báo.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đưa ra dự báo, các hãng tại Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỉ USD, trong đó đại dịch COVID-19 đã khiến Vietnam Airlines giảm doanh thu 50.000 tỉ đồng, dự kiến lỗ 29.000 tỉ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỉ đồng.
Trước tình hình này, mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ cứu doanh nghiệp hàng không do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% – 70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé… Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.
Do vậy, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp cụ thể. Thứ nhất, tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm. Thứ hai, cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Thứ ba, chỉ đạo Bộ GTVT và TCT Cảng hàng không VN (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.
Thứ tư, Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021; xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong sáu tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Thứ năm, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không để cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch.
Thy Hằng