Những ngày tháng 5 lịch sử đang đến gần, mang theo dư những âm hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thu – Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời Kế hoạch Nava. Trọng tâm của kế hoạch này là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào, với mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, tiến tới kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương.
Các tướng lĩnh Pháp khen ngợi hết lời tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và mệnh danh đây là “con nhím” lợi hại với những công sự bê tông kiên cố, tua tủa mọc ra bốn hướng. Tại nơi lòng chảo Mường Thanh, thực dân Pháp bố trí 16.200 quân với 21 tiểu đoàn thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam, gồm 49 cứ điểm hỗ trợ nhau, vòng trong, vòng ngoài.
56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt”
Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch.
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh”.
Tuy nhiên, đánh giá tương quan lực lượng của hai bên cho trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: Dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến dẫn đến việc kéo pháo ra là một thử thách không nhỏ với các cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Quyết định đó đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng ngàn con người đã đổ xuống trên đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua… giờ lại phải kéo pháo ra.
Trước tình hình đó, cấp ủy các đơn vị đã triệu tập hội nghị cán bộ, tập trung làm công tác tư tưởng, phổ biến tỉ mỉ phương châm và kế hoạch tác chiến mới, giải thích cặn kẽ lý do để bộ đội hiểu, động viên mọi người vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ mới.
Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Và vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn.
Những ký ức không thể nào quên
CCB Nguyễn Quốc Toản-một trong những nhân chứng lịch sử tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã bước sang tuổi 94 nhớ lại những năm tháng tham gia trận mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1953, ông được biên chế vào Đại đội 670, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại Đoàn 312 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông có nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt cứ điểm Him Lam mở màn cho chiến dịch.
Him Lam là một trong 3 trung tâm đề kháng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500m, gồm 3 cứ điểm trên 3 quả đồi nằm ngay cửa ngõ đông – bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo – Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5 km.
“Để chuẩn bị cho trận tấn công Him Lam, chúng tôi phải đào giao thông hào suốt hơn một tháng. Cứ đêm đến, cả đại đội tham gia đào và vận chuyển đất đá, đúng câu “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”,CCB Nguyễn Quốc Toản nhớ lại.
Ban đầu, cứ điểm Him Lam được ấn định sẽ tấn công vào ngày 12/3/1954, nhưng với chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”, đúng 17 giờ ngày 13/3/1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu.
Quân ta tổ chức nhiều mũi tấn công vào cứ điểm Him Lam, nhưng mất khoảng 5 giờ đồng hồ, cứ điểm Him Lam được người Pháp mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Tiểu đoàn 3/13 DBLE của thực dân Pháp bị xóa sổ, 200 tên địch bị bắt sống, quân ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị. “Đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt quá nhanh, làm cho Bộ chỉ huy quân đội Pháp và toàn bộ binh lính ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hết sức lo sợ.
Nhắc lại những ký ức hào hùng không thể quên, CCB Nguyễn Quốc Toản chia sẻ ngày đó chỉ nghĩ đến làm sao đánh thắng giặc, không màng sống, chết. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, nhiều người để lại một phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên.
70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của nó. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc.
Là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Việt