Trong ngành kinh doanh bán lẻ hoặc thương mại điện tử, đôi khi các mặt hàng sẽ bị tồn đọng lâu hơn mức cần thiết.
Những sản phẩm tồn kho này không chỉ chiếm không gian trong kho hàng, làm xáo trộn dòng tiền mà còn làm giảm hiệu suất bán hàng nếu doanh nghiệp dành quá nhiều thời gian và công sức mà không đẩy được chúng ra ngoài thị trường.
Đó là lý do tại sao một chiến lược đẩy nhanh hàng tồn kho lại là một điều thiết yếu trong Trade Marketing. Sau đây là một vài chiến lược khuyến mãi nhằm thúc đẩy doanh số, đưa hàng tồn kho ra thị trường và giúp tăng chỉ số ROI (Return on Investment) của doanh nghiệp.
1.Clearance Sale (Bán hạ giá hàng tồn kho)
Trực tiếp như tên gọi, clearance sale là tung ra chương trình hạ giá để giải phóng hàng tồn trong kho. Đây là cơ hội để đẩy nhanh các mặt hàng đã từng được rao bán trong 3-6 tháng qua. Cách tốt nhất để triển khai clearance sale là tiếp cận với khách hàng tiềm năng thông qua email và mạng xã hội.
Nếu bạn có dữ liệu về thông tin cá nhân của người mua hàng, đây chính là thời điểm hoàn hảo để sử dụng email cá nhân hóa. Ví dụ, gửi một email thông báo mẫu giày cỡ 38 hiện đang được giảm giá tới một khách hàng có size 38 chính là một bước đi hiệu quả và đúng thời điểm.
Người bán hàng cũng có thể tạo riêng một mục dành riêng cho clearance sale để khách hàng có thể truy cập mọi lúc. Bằng cách này, tệp shopper yêu thích giảm giá có thể kiểm tra các ưu đãi mọi lúc và bạn có thể đăng hàng tồn kho cũ bất cứ lúc nào cần đẩy nhanh hàng hóa ra thị trường.
Ví dụ, những nhãn hàng thời trang lớn như Uniqlo hay H&M đều có một khu trưng bày hàng tồn, hàng hết size,.. ở mọi thời điểm trong năm.
2.Flash Sale
Flash sale là một dạng ưu đãi trong thời gian vô cùng giới hạn – thường được dùng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,… Đây là một chiến lược đem lại hiệu quả cao nhằm đẩy nhanh hàng tồn kho còn dư thừa. Để tăng cường tính cấp bách của ưu đãi, tính năng đồng hồ đếm ngược thường được sử dụng trên trang web của doanh nghiệp.
Trong email marketing, những email thông báo flash sale thường đem lại tỷ lệ giao dịch cao hơn so với các dạng ưu đãi khác. Trên thực tế, tỷ lệ bán hàng tăng gấp hai lần mỗi khi có flash sale.
Tính chất khẩn cấp và nỗi lo bị bỏ lỡ (FOMO – fear of missing out) sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, khiến cho flash sale trở thành một cách dễ dàng để chuyển đổi sang doanh số.
Điều quan trọng ở đây là thông báo cho người mua hàng của bạn vài ngày trước khi flash sale diễn ra và nhấn mạnh vào yếu tố giới hạn thời gian. Cách thông báo: Qua phương tiện truyền thông xã hội và hiện banner ngay trên website.
3.Ưu đãi theo mùa (Seasonal Promotion)
Bản chất của loại khuyến mãi này là áp dụng quy tắc khan hiếm (principle of scarcity). Nói một cách đơn giản, quy tắc khan hiếm cho rằng nguồn cung sản phẩm hạn chế cùng nhu cầu cao sẽ tương đương với giá trị gia tăng của sản phẩm. Cảm giác tiết kiệm được chi tiêu trong ngày lễ sẽ khiến người tiêu dùng không thể cưỡng lại chương trình khuyến mãi của bạn.
Giáng sinh, Tết Nguyên Đán, Black Friday – bất kỳ ngày lễ nào cũng có thể được sử dụng như một lý do để tung ra các ưu đãi theo mùa. Các chương trình khuyến mãi nên được tung ra trước hoặc vào đúng ngày lễ đó, thay vì sau khi ngày lễ đã kết thúc.
Tận dụng nguyên tắc khan hiếm để đẩy nhanh hàng tồn kho chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Một chiến lược Marketing hiệu quả là thêm tính năng đếm ngược ngày giờ còn lại cho đến khi chương trình khuyến mãi kết thúc.
4.Ưu đãi cho khách hàng thân thiết
Khách hàng thân thiết – những người mua nhiều sản phẩm nhất hoặc tiêu nhiều tiền nhất cho thương hiệu – chính là tệp khách hàng có khả năng hưởng ứng các ưu đãi của bạn ở mức cao nhất. Với loại ưu đãi này, có thể sử dụng các coupon hoặc phiếu giảm giá có ngày hết hạn ngắn như một lời cảm ơn gửi đến những khách hàng thân thiết.
Một cách khác phức tạp hơn là tổ chức một đợt giảm giá độc quyền chỉ dành cho khách hàng thân thiết tại cửa hàng và yêu cầu họ mang theo giấy mời hoặc mã giảm giá để tham gia sự kiện, từ đó tạo cảm giác độc quyền và gia tăng cảm giác phấn khích.
Hầu như mọi tệp khách hàng đều tận hưởng cảm giác độc quyền. Khiến khách hàng của bạn cảm thấy đặc biệt thường có hiệu quả trong việc thuyết phục họ mua hàng và có thể tăng giá trị đơn hàng trung bình (AOV – average order value) cũng như lòng trung thành với thương hiệu.
5.Ưu đãi kèm quà tặng
Quà tặng kèm miễn phí là một cách tuyệt vời để thể hiện sự quan tâm đối với các đối tượng khách hàng của bạn. Nếu được sử dụng đúng cách, những món quà này sẽ giúp tăng số lượng đơn hàng và giúp di chuyển những sản phẩm trì trệ.
Mua một, tặng một cũng là một hình thức khác của ưu đãi miễn phí nhằm đẩy nhanh hàng tồn. Đối với quà tặng miễn phí, hãy xem xét lựa chọn một sản phẩm có giá trị cao hơn so với phiếu giảm giá trung bình của bạn. Theo nguyên tắc thông thường, hãy tặng các mặt hàng nhỏ mà khách hàng có thể không nghĩ đến việc mua, nhưng vẫn sẽ cảm thấy hài lòng nếu được nhận.
6.Miễn phí vận chuyển
BI Intelligence đã công bố một báo cáo cho thấy nguyên nhân chính của việc huỷ giỏ hàng trực tuyến khi mua sắm online sau khi đã thêm các mặt hàng vào chính là chi phí vận chuyển cao hơn dự kiến. Chính vì vậy, miễn phí vận chuyển là một ưu đãi tuyệt vời để thu hút khách hàng mua những sản phẩm còn tồn kho.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cân nhắc vì việc áp dụng giao hàng miễn phí đôi khi sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Song, ưu đãi này sẽ thu hút được thêm nhiều khách hàng mới.
Một khi họ đã mua hàng, tệp khách hàng này sẽ trở thành khách hàng thường xuyên nếu được nuôi dưỡng đúng cách. Hãy nghĩ đến tổng số lần mua hàng trọn đời mà khách hàng sẽ thực hiện trong tương lai và cách nó sẽ định hình thành công của doanh nghiệp.
Trước khi thực hiện miễn phí vận chuyển, hãy tìm hiểu kỹ về giá trị vòng đời khách hàng (customer lifetime value).
7.Giải hàng tồn qua Influencers
Loại ưu đãi này có thể được thực hiện qua việc phát triển quan hệ đối tác với những người có ảnh hưởng trong ngành liên quan đến lĩnh vực của doanh nghiệp. Hãy tận dụng các nền tảng cá nhân của họ và ngược lại, cung cấp cho họ ưu đãi độc quyền nhằm khuyến khích người theo dõi của họ mua hàng, giúp đẩy nhanh lượng hàng đang tồn kho.
Ví dụ: Nền tảng thương mại điện tử Shopee đã lựa chọn đại sứ thương hiệu là hai nghệ sĩ đình đám – Hương Giang và Hoài Linh nhằm tận dụng thúc đẩy doanh số.
Việc đẩy mạnh marketing qua influencers còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho thương hiệu, như tiếp cận sâu rộng tới khách hàng mục tiêu và giảm chi phí quảng cáo trong các chiến dịch tiếp theo.
Theo Tomorrow Marketers